Theo sử liệu, ông Phạm Đăng Hưng, sinh năm 1764 tại Gò Rùa, Gò Công. Năm 1784, ông thi đỗ Tam trường, được bổ nhiệm về kinh làm "Lễ bộ thượng thư". Ông là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết và giữ nhiều chức vụ quan trọng; trong đó có chức Quốc Sử quán Tổng tài năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821).
Sáng 8/7, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Sơn Qui (tỉnh Đồng Tháp) tổ chức Lễ giỗ lần thứ 200 của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (1825 - 2025).
Phát biểu ôn lại truyền thống, Bí thư Đảng ủy phường Sơn Qui Giản Bá Huỳnh cho biết, ngày giỗ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng là sự kiện quan trọng thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam và những người con Gò Công.
Theo sử liệu, ông Phạm Đăng Hưng, sinh năm 1764 tại Gò Rùa, Gò Công. Năm 1784, ông thi đỗ Tam trường, được bổ nhiệm về kinh làm "Lễ bộ thượng thư". Ông là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết và giữ nhiều chức vụ quan trọng; trong đó có chức Quốc Sử quán Tổng tài năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821).
Ông cũng là một trong những công thần phò tá vua Gia Long từ buổi đầu dựng nghiệp; có vai trò quan trọng trong việc cố vấn chính sách giúp ổn định đất nước thời hậu chiến tranh Tây Sơn Triều Nguyễn. Năm 1825, ông bị bệnh mất tại Huế (tức ngày 14/6 Âm lịch) và được vua Minh Mạng thăng hàm "Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc Hiệp - Biên Đại học Sĩ Thụy Trung Nhã", đưa về an táng tại Sơn Qui. Đến năm 1849, vua Tự Đức phong tặng ông "Tước Đức Quốc công" và được nhân dân tôn kính gọi là "Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng".
Theo Ban quản lý khu di tích lăng Hoàng Gia, lễ giỗ được tổ chức trang trọng hằng năm theo nghi thức truyền thống của dân tộc và được thực hiện theo hình thức xã hội hóa nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng.
Đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng được vua Thành Thái xây dựng vào năm 1888, trùng tu tôn tạo vào năm 1921 dưới thời vua Khải Định với những đặc điểm kiến trúc và trang trí nội thất cũng như bài trí Đồ tế tự mang tính cung đình. Đây là một công trình kiến trúc hiếm có ở Nam Bộ với các đồ án hoa văn trang trí rồng phụng, hoa lá hóa rồng, bát bảo, tứ quý có kỹ thuật chạm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng mang phong cách hoàng gia.
Tiêu biểu trong quần thể di tích là kiến trúc lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Dấu tích còn lại đến nay cho thấy, kiến trúc khu lăng mộ được xây bằng hợp chất với nhiều lớp thời gian khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là những viên gạch thẻ xây ở khu vực giếng nước có các ký hiệu của xưởng gạch triều đình giai đoạn đầu thế kỷ XIX như: Đinh nhị, Giáp tam... Năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích cấp Quốc gia./.