Nhiều tác phẩm nghệ thuật làm bằng chất liệu gốm ở Hương Canh có giá từ 5-10 triệu đồng/tác phẩm; thậm chí có tác phẩm có giá trên dưới 30 triệu đồng; phần lớn các cơ sở gốm ở Hương Canh có doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Những năm gần đây, một số cơ sở làm nghề gốm ở thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tìm lại chỗ đứng bằng việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, ưu tiên sản xuất sản phẩm gốm mỹ thuật..., được nhiều người ưa chuộng.
* Vật dụng truyền thống
Gốm Hương Canh trong tâm trí, ký ức của bao người trên các nẻo miền quê Việt là vật dụng đi cùng nếp nhà tranh, nhà ngói rêu phong cổ kính, với chum tương, chum đựng nước, nông sản, chứa hạt giống, ấm sắc thuốc, vại muối dưa, ang, liễn...Ngày nay, gốm Hương Canh đã được làm mới, có tính thẩm mỹ cao, đầy sức sáng tạo của trang trí, hội họa, điêu khắc, cách điệu... Và quan trọng hơn, gốm Hương Canh được đặt ở nơi trang trọng trong công trình, kiến trúc hiện đại, phục vụ khách hàng có điều kiện kinh tế và nhu cầu thẩm mỹ cao, nâng giá trị của sản phẩm.
Những người già ở thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh kể lại, gốm Hương Canh có lịch sử hình thành hơn 300 năm với những sản phẩm truyền thống nổi tiếng là chum, vại, nồi, niêu, ấm, chén, ống nước... Đất sét là nguyên liệu chính để sản xuất gốm Hương Canh, có độ dẻo dai và nhiều màu như xám, xanh, vàng, đỏ, nâu…, rất thích hợp cho việc làm gốm. Nhiều sản phẩm nung già, khi gõ có tiếng kêu vang và chắc nhưng không bị nứt, không bị méo và đựng nước không rò rỉ. Có người nói, nước chảy đá mòn, chứ tiểu sành Hương Canh thiên niên vạn đại không mòn...
Chum, vại Hương Canh chứa nông sản thời gian dài còn nguyên vẹn mà không hề bị ẩm mốc; đựng rượu để lâu rượu vẫn thơm, ngon. Ấm, chén dùng pha trà thơm ngây ngất; hũ gốm để bảo quản chè búp khô, giòn và bảo quản lâu hơn những vật liệu khác; chum vại dùng ngâm hoặc đựng tương thì tương ngon, giữ được mùi thơm… Vì thế, những vị khách kỹ tính luôn tìm về đây mua sản phẩm làm từ gốm Hương Canh.
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn, sinh năm 1951, đã gắn bó rất lâu với nghề làm gốm Hương Canh. Bà cho hay, những sản phẩm gốm từ xưa đến nay tốt là vậy nhưng người làm nghề đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả mới giữ được nghề bởi có lúc làng nghề này gần như đi vào quên lãng và dần mai một.
Những người trong gia đình nghệ nhân Giang Thị Nhạn nhớ lại, cuối năm 1958, Hợp tác xã thủ công Tam Đồng được thành lập nhằm quy tụ những người làm nghề gốm, sau này đổi tên thành Hợp tác xã gốm Hương Canh. Ban đầu hợp tác xã có 220-230 người tham gia sản xuất gốm theo kế hoạch tập trung. Thời hoàng kim là năm 1967- 1971, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Nhưng sau đó gốm Hương Canh có thời gian dài giảm đáng kể về sức tiêu thụ do mẫu mã đơn điệu, công tác quản lý và điều hành chậm đổi mới, đội ngũ thợ làm nghề đông nhưng thiếu thợ giỏi. Đặc biệt, khi đồ nhựa, inox, đồ sứ, thủy tinh... tràn ngập thị trường với giá cả rẻ, mẫu mã phong phú, đa dạng khiến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm gặp khó thực sự. Đến năm 1987, Hợp tác xã gốm Hương Canh giải thể, người dân chuyển từ sản xuất gốm sang sản xuất ngói lợp để mưu sinh. Thế nhưng, họ vẫn mong ước gốm Hương Canh được hồi sinh...
* Đổi mới sản phẩm truyền thống
Đầu những năm 2000, một số hộ dân Hương Canh đã quyết tâm đầu tư tiền bạc, kiến thức và kinh nghiệm, khôi phục lại nghề gốm, đã có 4 gia đình tiếp tục theo nghề sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ. Điều đáng nói là cả 4 cơ sở đều sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển sang làm gốm mỹ nghệ, đáp ứng những nhu cầu của thị trường, cho kết quả sản xuất khá lạc quan, sản phẩm tiêu thụ ổn định.
Mức thu nhập của cơ sở nghề gốm ở Hương Canh ban đầu từ 400- 500 triệu đồng/cơ sở/năm đã tăng cao hơn mỗi năm. Hiện nay, phần lớn cơ sở làm nghề gốm có mức thu nhập cao gấp 5-6 lần so với thời điểm mới khôi phục nghề bởi sản phẩm được chú ý cả về chất lượng lẫn tính thẩm mỹ. Những nghệ nhân, thợ lành nghề làng gốm đã khoác lên những sản phẩm gốm Hương Canh bộ áo mới, tinh tế, có "hồn" hơn. Họ cũng tìm hiểu, học hỏi thêm tại các làng nghề sản xuất gốm, các cuộc triển lãm về gốm hoặc nghệ thuật, gặp gỡ các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa... để có thêm kiến thức, kỹ năng nghề.
Anh Nguyễn Giang Anh, người dân thị trấn Hương Canh, cho hay: Ở Hương Canh hiện nay còn có 6 hộ làm nghề gốm. Mỗi hộ có từ 5- 7 lao động với mức thu nhập lao động đi thuê đạt trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, một cơ sở sản xuất trên dưới 2.000 sản phẩm gốm các loại. Thời điểm cuối năm, một số sản phẩm như tiểu sành, chum đựng rượu, vại, ấm, chén...bán chạy nhất.
Đặc biệt, nhiều tác phẩm nghệ thuật làm bằng chất liệu gốm ở Hương Canh có giá từ 5-10 triệu đồng/tác phẩm; thậm chí có tác phẩm có giá trên dưới 30 triệu đồng. Phần lớn các cơ sở gốm ở Hương Canh có doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Hiện nay, các hộ làm gốm ở Hương Canh đều là những hộ kinh tế khá, giàu có. Sản phẩm đang được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố biết đến và đặt mua. Gốm Hương Canh đã xuất hiện nhiều hơn trong các triển lãm nghệ thuật, sản phẩm gốm ứng dụng đã mở rộng thị trường ra nhiều địa phương khác. Từ năm 2022 trở lại đây, gốm Hương Canh tham gia 6 - 7 triển lãm lớn nhỏ và một số nghệ nhân đang hợp tác với một số nghệ sĩ để đưa sản phẩm gốm nghệ thuật Hương Canh ra bán trực tiếp ở nước ngoài.
Dù đã tìm lại chỗ đứng trên thị trường nhưng các hộ làm nghề gốm Hương Canh vẫn đang khó khăn vì thiếu mặt bằng sản xuất, không có chỗ bày bán hàng, chưa có khu khai thác đất sét nguyên liệu tập trung nên khó mở rộng về quy mô. Nhiều năm trước, người dân làm nghề gốm đã đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ, giải quyết khó khăn, tồn tại.../.
- Từ khóa:
- Vĩnh Phúc
- Gốm Hương Canh
- tinh tế
- nhu cầu
- thẩm mỹ