Xã hội

Người thổi luồng gió mới cho nghề gốm Hương Canh

Vĩnh Phúc

Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Quang tự tin đã làm chủ được quy trình làm gốm.

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang đã làm chủ được quy trình làm gốm. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Gặp nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang lần đầu, nhiều người đều có cảm nhận rất dễ gần bởi vóc dáng cao, gầy và đôi mắt hiền. Cái tên Hồng Quang được người trong nghề nhắc tới nhiều khi anh thổi luồng gió mới và nâng tầm giá trị của nghề gốm Hương Canh. Ít ai biết rằng, để có được sự thành công đó, nghệ nhân này đã phải trải qua một chặng đường dài gian nan.

Chiều cuối Đông mưa phùn, chúng tôi trở lại thị trấn Hương Canh. Làng gốm giờ đây không còn hưng thịnh như xưa, nhưng những nếp nhà, bức tường, ô cửa sổ, mái đình nơi đây vẫn lưu giữ bản sắc riêng, dấu ấn đặc trưng của nghề gốm vang danh một thời.

Căn nhà nhỏ cấp 4 ven sông Tranh được nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang chọn làm xưởng. Vẻ bề ngoài đơn sơ của căn nhà với mái ngói sậm màu thời gian, lớp tường quét vôi đã bị bong tróc nhiều, nhưng với Hồng Quang, nơi ấy lại tiếp sức cho anh trong sáng tác, gìn giữ và phát triển những sản phẩm đặc trưng của nghề gốm Hương Canh. Chỉ về phía tủ kính, nơi trưng bày nhiều sản phẩm gốm nghề thuật, anh Hồng Quang nói, đó là những giá trị tinh thần lớn của mình trong mỗi ngày làm việc.

Anh Quang kể, năm anh 6 tuổi, anh cùng người anh trai đã được làm quen với những miếng đất sét. Ngày đó, Hương Canh nổi tiếng với nghề làm ngói, làm chum vại và sự nghiệp của anh khởi nguồn từ đó. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - Khoa điêu khắc, anh Quang trở về xưởng gốm của gia đình với niềm say mê và khát khao muốn sáng tạo nên những sản phẩm gốm đặc sắc.

Anh Quang cho biết: con sông Tranh đã mang đến cho mảnh đất Hương Canh một loại đất sét đặc biệt để làm nên các sản phẩm gốm bền đẹp. Nơi đây chủ yếu là đất sét xanh, sản phẩm gốm làm ra chống được sự thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong, khi pha trà thì giữ được nhiệt độ rất lâu, đựng rượu không bị hả.

Vốn được kế thừa kỹ thuật làm gốm của gia đình, lại có kiến thức được đào tạo bài bản, anh Quang bắt tay ngay vào công việc. Được sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của người cha, tay nghề của anh Quang nhanh chóng được nâng cao.

Bên chén trà mạn, rít sâu hơi thuốc, anh Quang tâm sự: Muốn khôi phục được nghề gốm Hương Canh,  phải mang đến diện mạo mới cho sản phẩm gốm, tinh tế và có hồn hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được sản phẩm gốm mỹ thuật, bởi ngoài sự hiểu biết về gốm, còn đòi hỏi phải có cách nhìn nghệ thuật. Theo anh Quang, “cái khó nhất của người làm gốm mỹ thuật là nhìn ra nét đẹp riêng của gốm và tìm cách sáng tạo ra được nét đẹp đó.”

Anh Quang cho biết, hạn chế của gốm Hương Canh là màu sắc. Gốm Hương Canh thường có hai màu cơ bản là màu đỏ và màu nâu. Trong khi các làng gốm khác dùng màu để sản phẩm bật lên, anh Quang lại tìm cách tạo hình và khối cho sản phẩm, tạo được sắc độ sáng tối cho gốm Hương Canh và biến hóa nhiều về hình dáng. Với gốm, tạo hình là một chuyện, nghệ thuật đốt lò để có được một sản phẩm gốm tử tế, hay cao hơn là hoàn hảo, lại là chuyện quyết định. Thành bại đều phụ thuộc vào con mắt nhìn gốm, nhìn lửa lò.

Anh Quang nhớ lại: Những ngày đầu hỏng nhiều lắm vì chưa biết cách điều chỉnh nhiệt độ lò để tạo ra sản phẩm ưng ý. Bởi vậy, khi thành công từng sản phẩm, anh Quang lại mày mò tạo hình, vẽ hoa văn đất, rồi điều chỉnh nhiệt độ lò để có màu gốm theo ý. Nếu đốt lò ở nhiệt độ khoảng 1.000-1.100 độ C có được màu đỏ, đốt lò ở nhiệt độ trên 1.250 độ C sẽ được màu đen của gốm.

Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, anh Quang đã biến hóa, để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... Với màu đất, kiểu dáng và thấp thoáng hình bóng quê nhà trên từng thân gốm, sản phẩm của Hương Canh giúp người tiêu dùng có những phút giây trở về chốn xưa, thấy lại nếp nhà tranh, thửa ruộng, lũy tre làng…

Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Quang tự tin đã làm chủ được quy trình làm gốm, hiểu rõ về các chất liệu đất, nước và lửa, mỗi mẻ ra lò, gốm loại I đạt tỷ lệ lên đến 98%, hiệu quả hơn rất nhiều so với lò của các thế hệ trước.

Đến nay, bình quân mỗi tháng, anh Quang đốt 3 chuyến lò thủ công và 1 chuyến lò ga. Sản lượng thu được để đưa ra thị trường là hơn 550 sản phẩm/tháng. Với mức giá từ 300-800.000 đồng/1 sản phẩm, anh thu về hơn 100 triệu đồng. Các sản phẩm gốm của xưởng hiện phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, gốm Hương Canh được xuất khẩu ra các thị trường như: Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ thông qua các đại lí và kênh bán hàng trực tuyến.

Bên cạnh đó, anh Quang còn mở lớp dạy thợ làm gốm tại xưởng, nhằm đào tạo những bạn trẻ có có tay nghề để họ sẽ có cơ hội phát triển nghề truyền thống quê hương trong tương lai./.

PV

Xem thêm