An sinh

Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo

Nghệ An

Tỉnh chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hỗ trợ người dân thoát nghèo từ Chương trình hỗ trợ bò sinh sản. (Ảnh tư liệu: Tá Chuyên/TTXVN)

TTXVN - Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%.

Giải pháp được tỉnh đề ra là chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng nghèo, vùng khó khăn; làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo...

Cùng với đó, tỉnh tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình; đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể gắn với xử lý, giải quyết các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở khi thực hiện chương trình; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Năm 2024, tỉnh Nghệ An lên kế hoạch hỗ trợ 95,672 tỷ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất.

Tại Nghệ An, năm 2023, ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 512,480 tỷ đồng; toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó vùng miền núi giảm 2,2%.

Thông qua các nguồn vốn thực hiện chương trình, tỉnh xây dựng được 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho 702 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị Trường Cao đẳng Việt Đức 10,838 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường trung cấp dân tộc nội trú 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức đào tạo nghề cho 1.015 lao động; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 40.000 người; tập huấn kiến thức, kỹ năng về phát triển năng lực số cho hơn 350 nhà giáo và cán bộ quản lý; tập huấn kiến thức khởi nghiệp và kỹ năng mềm cho 370 học sinh, sinh viên; thực hiện hỗ trợ xây mới 870 căn nhà cho 868 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo; sửa chữa 100 căn nhà cho 86 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo; bố trí vốn cho 35 công trình thuộc lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, văn hoá...

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng tại Nghệ An, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang bộc lộ một số tồn tại, khó khăn. Đó là các vấn đề tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn chậm. Mặc dù các văn bản của Trung ương, của tỉnh quy định việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cơ bản đầy đủ, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn lúng túng, kết quả đạt thấp.../.

PV

Xem thêm