Giải quyết việc làm cho người lao động đã chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện cho họ sớm trở thành công dân có ích, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
TTXVN - Giải quyết việc làm là mục tiêu quan trọng trong chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động.
Đặc biệt, giải quyết việc làm cho người lao động đã chấp hành xong án phạt tù, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương chính sách hết sức nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nhằm tạo điều kiện cho họ sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, tham gia vào thị trường lao động, tạo nên một lực lượng lao động mới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Được vay 100 triệu đồng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định này quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Đối tượng vay vốn bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Điều kiện vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội. Cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có phương án vay vốn.
Vốn vay được sử dụng để chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chi phí được sử dụng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn theo phương thức thông qua hộ gia đình. Cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn theo phương thức cho vay trực tiếp. Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Quyết định 22 ngay sau khi ban hành đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng xã hội. Triển khai Quyết định này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã ký ban hành Kế hoạch số 488/KH-BCA-C11 và Công văn số 3336/BCA-C11, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Trong đó, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nội dung Quyết định để tạo sự thống nhất về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, từ đó có sự chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả.
Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Công an các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách đến những phạm nhân, đặc biệt là số sắp chấp hành xong án phạt tù, để họ nắm được chính sách, yên tâm cải tạo và chủ động trong việc tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngay sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Bộ Công an đã đề nghị Công an các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 22 trên địa bàn, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt nội dung nhiệm vụ được giao.
* Để người chấp hành xong án phạt tù sớm tham gia vào thị trường lao động
Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, huy động nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi đối với đối tượng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng và Quyết định 22/2023/QĐ-TTg.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chia sẻ, Bộ rất tích cực phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các chính sách ưu đãi tạo việc làm, tạo nghề đối với người đã chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động chấp hành xong án phạt tù. Quyết định 22 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng của đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chính sách tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù, một chính sách hết sức ưu việt. Qua đó, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, tạo việc làm cho bản thân và đặc biệt là tham gia vào thị trường lao động một cách đầy đủ, trở thành công dân có ích cho xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tạo việc làm sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù”, ông Bình nói.
Giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả chính sách này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng thể chế, chính sách, trong đó có việc xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi. Bộ mong muốn phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng một khung chính sách đầy đủ cho người mãn hạn tù để đảm bảo họ thực sự ổn định cuộc sống và tham gia vào thị trường lao động.
Ông Vũ Trọng Bình cho rằng, để chính sách triển khai hiệu quả, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an địa phương cần phối hợp xây dựng kế hoạch tạo việc làm, giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là nguồn rất quan trọng, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm sẽ tạo được nguồn lớn hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa 3 bên: ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và Công an địa phương, thực hiện tốt công tác rà soát, xác nhận đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện để người thụ hưởng tiếp cận nhanh chóng, kịp thời chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tham gia cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực tăng cường bổ sung vốn cho vay, giải quyết tạo việc làm, trong đó có cho vay đối với đối tượng chấp hành xong án phạt tù.
Cục trưởng Cục Việc làm cũng cho rằng, vay vốn chỉ là một trong những kênh hỗ trợ. Vừa qua, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu, tạo việc làm cho người mãn hạn tù vào làm tại các doanh nghiệp. Như vậy, không cần vốn cho vay vẫn tạo việc làm cho họ ngay lập tức. Qua các phiên giao dịch việc làm, kết nối người lao động trực tiếp tham gia vào thị trường lao động.
“Ngoài việc cho vay, tạo vốn, tạo việc làm, Bộ Công an chỉ đạo mạnh việc này. Chúng ta không cần nguồn vốn vay, mà vẫn tạo việc làm. Phối hợp giữa hai nguồn, sẽ tạo điều kiện cho người lao động tham gia một cách tích cực vào thị trường”, ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người chấp hành xong án phạt tù hiểu rõ về chính sách; giới thiệu dịch vụ việc làm kết nối cấp tỉnh, cấp vùng và toàn quốc; tôn vinh những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã sử dụng người lao động là người mãn hạn tù, để khuyến khích các đơn vị thu nhận họ vào làm việc./.