Kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường
Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển công nghiệp xanh, bền vững, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
TTXVN – Năm 2024, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung phục hồi phát triển sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của Trung tâm Hành chính công của tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa điện tử cấp xã gắn với đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công cấp độ 3, 4; rà soát, khắc phục những chỉ số thành phần có điểm số thấp để nâng cao các chỉ số quản trị địa phương.
Trong xúc tiến thu hút đầu tư, tỉnh chủ động định hướng phát triển công nghiệp xanh, bền vững; lựa chọn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của địa phương; đồng thời khuyến khích triển khai các dự án đầu tư mới có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng…
Thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh Bắc Ninh đạt nhiều kết quả và trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài nhờ đổi mới về hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bắc Ninh tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và 5 tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Với phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh” và “tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp”, Bắc Ninh đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao vị thế của địa phương.
Tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế để mời gọi đầu tư; tăng cường đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; liên kết hiệu quả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài...
Tính đến 20/10/2023, Bắc Ninh cấp mới 308 dự án đầu tư nước ngoài, tăng gấp 3,14 lần cùng kỳ năm 2022 với tổng vốn 908,03 triệu USD (tăng gấp 5,1 lần cùng kỳ năm 2022). Đồng thời, điều chỉnh vốn 127 dự án, vốn điều chỉnh tăng 471,43 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 55 lượt trị giá 21,48 triệu USD; chấm dứt hoạt động 52 dự án. Lũy kế, đến nay toàn tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.075 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 24.672 triệu USD.
Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2023, tỉnh cấp mới 19 dự án trong nước (giảm 55,8% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.442 tỷ đồng (giảm 69%); cấp điều chỉnh 79 dự án, trong số đó có 20 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh giảm 250,4 tỷ đồng; thu hồi 16 dự án.
Trong năm 2023, tỉnh thành lập mới 2.897 doanh nghiệp (tăng 33,8%) với tổng vốn 27.756 tỷ đồng (tăng 59,7%) và 1.053 đơn vị trực thuộc. Tỉnh có 278 doanh nghiệp giải thể (tăng 6,5%); 1.642 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 30,6%); 766 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 5,1%). Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 17.919 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn 349.490 tỷ đồng và 5.436 đơn vị trực thuộc. Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký 1.547 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn 257.396 tỷ đồng./.