Việc đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vào nhóm được hỗ trợ bảo hiểm y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng.
TTXVN - Ngày 19/10, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Nghị định số 75). Nghị định này có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế theo quy định.
Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực, trách nhiệm cùng với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng, tham gia ý kiến sửa đổi, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định. Với quan điểm luôn tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế và đảm bảo cân đối, an toàn quỹ bảo hiểm y tế, nhiều vấn đề bất cập, hoặc cần phải sửa đổi, bổ sung từ thực tiễn đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung đề xuất, góp ý nhằm đảm bảo công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đạt hiệu quả.
Các đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam như: mở rộng quyền lợi thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng; tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế… đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bộ, ngành và được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị định số 75 với nhiều điểm mới.
Trong đó, Nghị định số 75 đã bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng (ATK) và nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023) gồm người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc Nghị định số 75 bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ bảo hiểm y tế. Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia bảo hiểm y tế thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Mức hưởng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng được nâng lên. Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc được nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%. Còn vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (mã TG) có mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nghị định số 75 bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện thanh toán theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 01/01/2019. Đồng thời, quy định, trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (trong phạm vi 90% số dự toán thu bảo hiểm y tế toàn quốc).
Sau đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thông báo số dự kiến chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tới cơ sở khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm theo số được thông báo. Việc giao số dự kiến chi này không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh quyết toán của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
Theo quy định mới, các chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế,… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này tạo điều kiện cho cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế an toàn, đúng quy định.
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị định số 75 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp như: phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ khi phí đóng bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; rà soát, lập danh sách và cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế của các đối tượng hưởng tại Nghị định này… Với sự nỗ lực của toàn ngành, dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 93,35% dân số./.