Sức khỏe

Người dân thực hiện phòng, chống thế nào khi chuyển COVID-19 sang nhóm B?

Khi chuyển sang nhóm B, người bệnh sẽ được thanh toán viện phí theo quy định với người tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp không có bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí.

TTXVN- Theo quyết định mới nhất của Bộ Y tế, từ ngày 20/10/2023, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B. Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 sẽ được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Ảnh minh họa (TTXVN)

Liên quan đến quyết định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng chia sẻ, thống kê của Bộ Y tế thời gian qua cho thấy, số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, đa phần ca mắc nhẹ, có thời điểm không còn bệnh nhân nặng nào điều trị. Đã nhiều tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong.

Nhiều hoạt động đáp ứng đã thực hiện như đối với bệnh nhóm B. Ví dụ như, việc mở cửa, đi lại, du lịch, hội họp… đã nới lỏng hoàn toàn. Ngành Y tế chỉ tập trung xét nghiệm giám sát nguy cơ, không cách ly diện rộng. Các cơ sở khám chữa bệnh khi có bệnh nhân COVID-19 không cách ly khu vực riêng mà chỉ cách ly ở khoa phòng bệnh đó… Do đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu “việc công bố COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B chỉ là thủ tục”.

Về công tác phòng, chống dịch khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, ông Trần Đắc Phu cho hay “vẫn cần có những giám sát, đánh giá nguy cơ (đây là điều khác các bệnh nhóm B khác). Dù Tổ chức Y tế thế giới cho rằng COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không thể mất cảnh giác bởi COVID-19 vẫn có thể có những biến chủng mới thường xuyên xuất hiện do tính không ổn định của virus này”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu lý giải, làm điều này là để trong trường hợp virus có biến chủng mới hoặc diễn biến bất thường, chúng ta có thể đáp ứng được ngay, không bị động. Đây cũng là lý do để Bộ Y tế ban hành Kế hoạch quản lý phòng, chống dịch bền vững.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, khi COVID-19 được chuyển sang nhóm B, không cần công bố dịch hàng ngày mà thực hiện giám sát và công bố hoặc thông báo như các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bên cạnh đó, cần truyền thông để người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, mất cảnh giác vì COVID-19 có thể có biến chủng bất thường.

Khi chuyển sang nhóm B, người bệnh sẽ được thanh toán viện phí theo quy định với người tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp không có bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí.

Về công tác điều trị COVID-19 giai đoạn tới, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin, khi COVID-19 chuyển sang nhóm B, vẫn có thể có trường hợp bệnh nặng. Vì vậy, phác đồ điều trị vẫn theo hướng dẫn cập nhất mới nhất tính đến tháng 6/2023.

Liên quan đến việc có cần thiết đeo khẩu trang khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc đeo khẩu trang trong tình hình hiện nay là khuyến khích để phòng các bệnh đường hô hấp khác chứ không riêng COVID-19, đặc biệt nơi tập trung đông người, trên phương tiện công cộng.

"Đối với những người bị COVID-19, chúng tôi khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Những người đi chăm sóc người mắc COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, các cơ sở khám, chữa bệnh nên duy trì đeo khẩu trang, vì ngoài COVID-19, có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh./.

PV

Xem thêm