Sức khỏe

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm

Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và học sinh tại Việt Nam đã và đang đối diện với gánh nặng kép về dinh dưỡng nghiêng về thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị và nông thôn.

TTXVN - “Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so với nông thôn và miền núi”. Đây là thông tin tại Hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam" do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức ngày 20/10, tại Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Lê Hảo)

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng về hoạt động dinh dưỡng học đường tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới; trao đổi học tập kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản về hoạt động dinh dưỡng học đường.

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và học sinh tại Việt Nam đã và đang đối diện với gánh nặng kép về dinh dưỡng nghiêng về thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị và nông thôn. Ở khu vực miền núi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao.

Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp xây dựng các hướng dẫn, thông tư, tài liệu và thực đơn về bữa ăn học đường. Việc triển khai bữa ăn học đường được thực hiện ở hầu hết các trường mầm non. Tuy nhiên, công tác tổ chức và chất lượng bữa ăn học đường tại nhiều trường tiểu học trên toàn quốc…còn nhiều hạn chế và khó khăn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khoẻ, sự phát triển thể lực, trí lực và thể chất của người tiêu dùng; góp phần phát triển giống nòi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội của quốc gia, dân tộc.

Từ năm 2011, các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện theo Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của Việt Nam chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đặt ra về vi chất, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.

“Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sự gia tăng nhanh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm. Khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so nông thôn và miền núi. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh của một số trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông năm học 2020 - 2021 ở mức cao”, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ.

Ảnh minh họa (TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2010 - 2020 của Viện cho thấy, tình trạng giảm suy dinh dưỡng và tăng thừa cân, béo phì ở nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi. Tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 24,2% xuống 12,2% (ở nhóm 5 đến 10 tuổi); suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 23,4% xuống 14,8% (trẻ từ 5 đến 19 tuổi)… Thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% lên 19% (nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi).

Một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của Hà Nội được thực hiện năm 2023 cho thấy, các trường tại các quận nội thành tỷ lệ thừa cân, béo phì dao động từ 45,5% đến 55,7%. Các huyện ngoại thành là từ 20,9% đến 31,1%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung cho biết, nguyên nhân của thừa cân, béo phì lứa tuổi học đường là do chế dộ ăn không hợp lý, thừa năng lượng, chất đạm, thiếu vi chất; trẻ ít hoạt động thể lực; ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm có nhiều đường… Trong khi đó, việc tổ chức bữa ăn học đường tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực, mức thu. Cán bộ phụ trách công tác bán trú, lên thực đơn phải tự tìm hiểu để thực hiện, ít được tập huấn chuyên môn. Môi trường xung quanh, căng tin trường học còn bán các sản phẩm không lành mạnh…

Các đại biểu đã chia sẻ thông tin về các chương trình quốc gia về dinh dưỡng, sức khỏe học đường của Việt Nam, mô hình điểm của Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025" về dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng. Các đại biểu được thông tin về phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng; mô hình thử nghiệm lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng trong dạy học môn giáo dục thể chất tại một số trường tiểu học ở Việt Nam.

Đại diện trường Đại học Niigata và trường Tiểu học Momoyama thành phố Niigata, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục dinh dưỡng, các hoạt động của giáo viên dinh dưỡng để phòng và kiểm soát thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng…

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng ở Việt Nam. Nội dung tập trung vào nghiên cứu xây dựng chính sách, phát triển nguồn lực, đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn học đường; truyền thông giáo dục dinh dưỡng học đường; giám sát tình trạng dinh dưỡng học sinh; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt công tác dinh dưỡng học đường, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045./.


Bích Thủy

Xem thêm