Sau sáp nhập, địa giới hành chính Vĩnh Long mở rộng đã kết nối thêm nhiều điểm đến, mở ra cơ hội phát triển tuyến, tour liên vùng như du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch homestay...
Sau quá trình hợp nhất, tỉnh Vĩnh Long bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng, cơ hội và thách thức đan xen. Ngành du lịch luôn được xác định là một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa – sinh thái mà còn tạo nên bản sắc riêng biệt, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Long trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đón hơn 4 triệu lượt khách du lịch.
Ông Trần Bá Sanh, Giám đốc Công ty Du lịch Lan Vương (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre cũ) thông tin, Vĩnh Long sau sáp nhập là vùng đất hội tụ nhiều giá trị đặc trưng của miền Tây Nam Bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt, cù lao trù phú, vườn cây ăn trái sum suê cùng với hệ thống làng nghề, văn hóa dân gian phong phú. Ngành có thể khai thác các tài nguyên như: Sông nước miệt vườn, làng gốm đỏ Mang Thít, làng nghề rèn Long Hồ, đờn ca tài tử Nam Bộ, chợ dừa sông Thơm, lễ hội truyền thống các đình làng, chùa cổ… Đây đều là những “tài nguyên mềm” quý giá cho phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa.
Sau sáp nhập, địa giới hành chính Vĩnh Long mở rộng đã kết nối thêm nhiều điểm đến, mở ra cơ hội phát triển tuyến, tour liên vùng như du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch homestay, du lịch đường sông từ các cù lao tới trung tâm đô thị và ngược lại. Khả năng liên kết với các địa phương lân cận như Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh… giúp Vĩnh Long trở thành điểm trung chuyển và lưu trú hấp dẫn trong thời gian tới.
Ông Trì Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty Du lịch Vĩnh Bình (phường Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, du lịch ở Vĩnh Long sau sáp nhập có đặc trưng xứ dừa, văn hóa Khmer, làng nghề gốm sứ… kết hợp hài hòa với yếu tố sinh thái và con người thân thiện, mến khách. Đây chính là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, thu hút khách lâu dài. Cùng với đó, ngành du lịch phát huy tài nguyên bản địa sẵn có tạo nên tuyến, điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới. Công ty đã tổ chức tour kết nối khám phá làng dừa chợ Thom (chợ nổi dừa Mỏ Cày Nam) và Cồn Hô (Trà Vinh cũ) - một tour nổi bật, được nhiều hãng lữ hành quốc tế đánh giá cao. Đây là thành công bước đầu và tương lai sẽ thu hút lượng khách lớn đến với Vĩnh Long. Khi cầu Rạch Miễu 2 thông tuyến giao thông trên tuyến quốc lộ 60 sẽ thu hút du khách và tạo thêm đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính đã mở ra không gian phát triển rộng hơn cho các địa phương. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, Vĩnh Long còn nhiều tiềm năng. Từ những vườn cây trĩu quả, cù lao sông nước hữu tình đến các làng nghề truyền thống; văn hóa đa sắc tộc với nhiều lễ hội truyền thống; các tuyến du lịch sinh thái, bờ biển trải dài; nhiều giá trị văn hóa, lịch sử... Tất cả đang mở ra nhiều hướng đi mới. Đây là cơ hội để kết nối những tiềm năng sẵn có, tài nguyên bản địa để xây dựng các chuỗi sản phẩm dịch vụ liên kết, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch Vĩnh Long.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh mong muốn Hiệp hội Du lịch phát huy hơn nữa vai trò, thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, tập hợp đơn vị có năng lực, tiềm lực, tâm huyết để xây dựng Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long ngày càng vững mạnh. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, thú vị. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, truyền thông, quảng bá, liên kết phát triển... Du lịch tỉnh Vĩnh Long cần đặt trên nền tảng khai thác tài nguyên bản địa một cách thông minh nhưng không làm mai một giá trị truyền thống, đưa Vĩnh Long vươn lên thành một điểm sáng du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới./.
- Từ khóa:
- Du lịch
- Phát triển
- Tây Nam Bộ
- Bản địa
- Tiềm năng