Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng,
TTXVN-Ngày 28/2, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức đoàn thể, thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Dự thảo lần này đã có những điểm mới, tạo ra nguồn lực, động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là khai thác tiềm năng lớn về đất đai...
Theo ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, tại Điều 225, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết tại tòa án nhân dân. Điều này chưa phù hợp vì tòa án chỉ giải quyết các vụ việc trên cơ sở pháp lý như kết quả giải quyết của cơ quan chức năng. Nội dung này nên áp dụng theo Luật Đất đai 2013, các tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết ở các cấp chính quyền trước, nếu không đạt được kết quả mới đưa vụ việc ra tòa xem xét, giải quyết.
Điều 80, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa vào sử dụng hoặc chậm sử dụng theo tiến độ, quá 48 tháng mà chưa hoàn thành dự án thì Nhà nước thu hồi đất, không bồi thường đất và tài sản gắn liền với đất... tính khả thi của nội dung này thấp vì thực tế đã có nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài nhưng rất khó thu hồi đất vì vướng mắc nhiều vấn đề về quy định, thủ tục liên quan đến đất đai, tài sản... Vì vậy, điều kiện thu hồi đất đối với những dự án chậm tiến độ cần phải xem xét cụ thể và có tính khả thi hơn.
Ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nam Định cho rằng, câu từ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chặt chẽ, rõ ràng, tránh chung chung. Ví dụ như tại các chương VI, VII về quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải hài hòa với lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Khái niệm “hài hòa” chưa cụ thể, khó xác định khi tính căn cứ để thu hồi đất, đền bù đất. Tại khoản 2, Điều 89 quy định, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Về nội dung này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể hơn nữa các tiêu chí để thuận tiện trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nam Định nêu ý kiến, tại điểm h, khoản 1, Điều 80, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai có nêu: Đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục và đã bị xử phạt hành chính mà không đưa đất vào sử dụng sẽ bị thu hồi đất. Tại điểm này nên chia đất nông nghiệp thành 2 loại, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm để quy định cụ thể về thủ tục thu hồi cho phù hợp./.
- Từ khóa:
- dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
- Nam Định