Môi trường

Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

TP. Hồ Chí Minh

Sau hơn 10 năm thực hiện, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, một số quy định của Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

TTXVN - Ngày 24/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, một số quy định của Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan. Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 có giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện nên cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 5 điều.

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, tại các điều 46, 47 và 48 trong Dự thảo Luật có quy định trong một số trường hợp khẩn cấp như hạn hán, thiên tai, dịch họa… việc khai thác nước có thể được tiến hành mà không cần phải cấp phép. Tuy nhiên, ông Trần Kim Thạch cho rằng, quy định này còn chưa thỏa đáng vì chưa xét đến trường hợp sự cố xảy ra ngay trong chính các nhà máy nước.

Ông Trần Kim Thạch dẫn chứng trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 7 nhà máy nước lớn, khi một nhà máy có sự cố, bắt buộc các nhà máy còn lại phải khai thác vượt công suất. Tuy nhiên, việc xảy ra sự cố trong hoạt động của nhà máy nước lại không được xem là “trường hợp khẩn cấp” trong quy định của Dự thảo Luật. Theo quy trình, các nhà máy nước phải chờ cấp phép từ các cơ quan có thẩm quyền mới có thể khai thác vượt công suất. Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu nước cung cấp, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Về vấn đề tính phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước, ông Trần Kim Thạch cho biết, điều 49 của Dự thảo Luật quy định việc tính phí phải dựa trên công suất đăng ký tối đa của các trạm bơm nước thô tại từng địa phương. Trên thực tế, các cơ sở cấp nước hiện nay chỉ hoạt động trong khoảng 70-80% công suất vì phải tính đến yếu tố an toàn, dự phòng. Do đó, việc đóng phí theo công suất tối đa như quy định là chưa phù hợp tình hình thực tiễn và gây lãng phí cho các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thị Kim Xuyến đề nghị, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần có những quy định về trách nhiệm quản lý và phối hợp giữa các địa phương về tài nguyên nước vì đặc điểm của tài nguyên nước mặt có tính liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.

Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến đề nghị Dự thảo Luật bổ sung “kênh, rạch” tại khoản 1, Điều 27 quy định về việc các sông, suối, hồ chứa, đập dâng phải xác định dòng chảy tối thiểu. Lý do vì thực tế hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có các cống, đập ngăn triều trên các kênh rạch để phục vụ mục đích chống ngập. Việc xây dựng các cống ngăn triều ở đầu các kênh rạch có ảnh hưởng và tác động đến dòng chảy tự nhiên của kênh rạch. Với lý do đó, “kênh, rạch” cần được xác định dòng chảy tối thiểu để đảm bảo tiêu thoát và hoạt động sinh sống của thủy sinh trong lòng kênh, rạch.

Bà Trần Thị Mai Hương, chuyên viên Chi cục Thủy Lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất bổ sung thêm một nội dung tại Điều 28 của Dự thảo Luật về vấn đề xác định dòng chảy tối thiểu, đó là việc xác định dòng chảy tối thiểu trên các tuyến sông, suối, kênh, rạch thì phải đảm bảo sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh; đảm bảo đủ nguồn nước cho hệ sinh thái dưới nước phát triển.

Bên cạnh đó, liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước, hiện vẫn có sự khác nhau về việc xác định khoảng cách từ mép bờ cao vào phía bờ đối với Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Tài nguyên nước; cùng một tuyến sông, kênh nhưng các mốc cắm hành lang bảo vệ khác nhau. Vì vậy, bà Trần Thị Mai Hương đề nghị cần phải có sự thống nhất giữa các luật trong việc quy định chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ của các tuyến sông, suối, kênh, rạch.

Ngoài ra, theo bà Trần Thị Mai Hương, Dự thảo Luật chưa có quy định về phương pháp quản lý, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động, sinh sống trên khu vực hành lang bảo vệ nguồn nước. Do đó, bà đề xuất Dự thảo Luật bổ sung nội dung yêu cầu đối với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, công trình xây dựng mới trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, rạch phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp việc quản lý, giám sát các hoạt động quanh khu vực bảo vệ nguồn nước trở nên thuận tiện hơn./.

Hồng Giang

Xem thêm