Xã hội

Hà Nội: Chú trọng chăm lo đời sống người lao động

Hà Nội

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở và người lao động.

Tủ sách Công đoàn được nhiều công nhân lao động  đón nhận.
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Để thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở và người lao động, nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

* Nâng cao đời sống tinh thần

Bên cạnh các hoạt động nổi bật như: Biểu dương 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu giai đoạn 2019 -2024; phát động Hội thi "Công đoàn Thủ đô - Hành trình xây dựng và phát triển"; gặp mặt các thế hệ cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố có nhiều đóng góp trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Thủ đô; thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ cán bộ, nguyên cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức đồng loạt "Bữa cơm công đoàn"…, Liên đoàn Lao động các quận, huyện đã ra mắt hàng chục Tủ sách Công đoàn. Qua đó, nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc, nâng cao giá trị sử dụng, khai thác sách, tài liệu, nhận thức pháp luật cho công nhân lao động nhất là người đang thuê trọ, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã khảo sát, đăng ký, triển khai xây dựng mới, sửa sang, trang trí Tủ sách Công đoàn. Đồng thời, vận động chủ nhà trọ, chủ doanh nghiệp dành địa điểm sinh hoạt chung cho công nhân để đặt Tủ sách.

Tại quận Bắc Từ Liêm, qua khảo sát 4 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân chưa có Tủ sách Công đoàn, Liên đoàn Lao động quận thống nhất xây dựng tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội, nơi có số lượng người lao động đông và luôn mong muốn có Tủ sách để giải trí, nâng cao kiến thức sau những giờ làm việc căng thẳng. Tủ sách được đưa vào hoạt động trong tháng 7/2024 với mức đầu tư hơn 28 triệu đồng, gồm 50 đầu sách dành cho đoàn viên, công nhân lao động.

Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh ra mắt Tủ sách Công đoàn.
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Tại huyện Đông Anh, Liên đoàn Lao động huyện đã khảo sát và đề xuất thành phố thành lập mới 4 Tủ sách Công đoàn tại các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở các xã Hải Bối và Đại Mạch. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh Trần Thu Hằng cho biết, hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động thông qua việc đọc sách báo, cập nhật kiến thức phục vụ lao động sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường hiểu biết pháp luật lao động.

Với 10 triệu đồng chi phí đầu tư ban đầu, mỗi thư viện có trên 50 đầu sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội); chế độ chính sách; các báo thuộc hệ thống Công đoàn; ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền của tổ chức Công đoàn phát hành; sách văn học, giải trí… Hằng năm, Tủ sách được bổ sung các đầu sách mới để cập nhật thông tin và đáp ứng nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin của công nhân lao động.

Anh Trần Văn Thông, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam cho rằng, Tủ sách Công đoàn đã giúp công nhân lao động tiếp cận với những kiến thức mới, thông tin bổ ích. Từ đó, người lao động có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ lao động và thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Tổ trưởng Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh Vương Anh Quang cho biết, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều công nhân lao động thuê trọ còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc thành lập Tủ sách Công đoàn có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Ông Quang mong muốn, tổ chức Công đoàn có thêm nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, nhất là những công nhân đang thuê trọ, giúp họ có điều kiện cải thiện đời sống và yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.

Tủ sách Công đoàn được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Việc trang bị Tủ sách Công đoàn đã nhận được sự ủng hộ của những người quản lý. Bà Vũ Thị Yên, Quản lý nhà máy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Maxcore (huyện Ứng Hòa) cho biết, rất vui vì có thể tranh thủ thời gian rảnh hoặc ngày nghỉ để đọc sách, cải thiện đời sống tinh thần. "Công ty sẽ quản lý Tủ sách một cách khoa học, tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến đọc nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, người lao động tại công ty", bà Vũ Thị Yên cho biết.

Việc trang bị Tủ sách Công đoàn tại hội trường Công ty Trách nhiệm hữu hạn Maxcore với trên 200 đầu sách (từ pháp luật đến văn học, báo chí) là rất cần thiết và hữu ích, giúp công nhân lao động có cơ hội đọc sách, báo miễn phí, nâng cao hiểu biết, học hỏi và giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi…, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa Đỗ Thị Phương Nga cho biết.

Tủ sách giúp công nhân lao động có cơ hội đọc sách, báo miễn phí, nâng cao hiểu biết, học hỏi và giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi.
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

* Tiếp tục phát huy các mô hình sáng tạo, ý nghĩa

Tại Long Biên, "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" do đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thượng thiết kế được đánh giá cao về tính sáng tạo, ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; nhằm tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" được thiết kế như "Con đường Sen", ngập tràn hương sắc làng quê Việt Nam, giúp mỗi người có cảm giác như được về thăm quê Bác. Cuối "Con đường Sen" là bức tranh giai cấp công nhân Việt Nam dưới lá cờ Đảng và Bác soi đường, ra sức thi đua làm theo lời Bác với thông điệp: "Công đoàn Việt Nam là ánh sáng, là niềm tin của người lao động"...

"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" do đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thượng thiết kế.
Ảnh: Trường Tiểu học Gia Thượng

Cô giáo Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Gia Thượng cho biết, nhà trường sẽ sử dụng "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh" làm nơi sinh hoạt Chi bộ, Công đoàn, kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên mới, là nơi giáo dục truyền thống về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng sẽ là nơi để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường được đọc, học và bồi đắp lý tưởng Hồ Chí Minh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Ngô Mạnh Điềm, "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại Trường Tiểu học Đoàn Khuê và Trường Tiểu học Gia Thượng là ý tưởng, mô hình tốt, cần được nhân rộng.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên mong muốn đoàn viên Công đoàn nhà trường tiếp tục sưu tầm thêm hình ảnh, tư liệu, công trình mô phỏng nơi ở, làm việc, đồ dùng sinh hoạt của Bác… để làm giàu thêm "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Thông qua đó, mỗi đoàn viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có thêm kiến thức, trải nghiệm sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Linh Khánh

Xem thêm