Việc đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành giao thông thông minh có ý nghĩa rất quan trọng là nền tảng cốt lõi chính cơ bản trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh.
Sáng 4/7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức lễ khai trương triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (TOC). Hệ thống giao thông thông minh ITS là hệ thống các ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường…
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, việc đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành giao thông thông minh có ý nghĩa rất quan trọng là nền tảng cốt lõi chính cơ bản trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" và tổ chức triển khai trong thời gian tới.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai phương án thí điểm hệ thống giao thông thông minh với các nội dung triển khai: thiết lập Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội số 1 Kim Mã, quân Ba Đình, bao gồm: thiết bị (máy tính, mản hình tấm ghép, tường lửa, thiết bi mạng, các thiết bị, phụ kiện đi kèm, bàn ghế….); các phần mềm điều khiển (phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh...); lắp đặt thiết bị ngoại vi tại 2 nút giao thông thí điểm trên đường Phạm Văn Bách.
Hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm các chức năng: hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; trong đó, 2 chức năng quản lý đỗ xe và quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của thành phố đã sẵn sàng đưa vào vận hành. Hệ thống được thiết kế đảm bảo tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điểu kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.
Hiện nay, mới chỉ là giai đoạn đầu thí điểm nên còn nhiều việc cần tiếp tục triển khai, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống, phát hiện xử lý các tồn tại, bất cập nảy sinh trong quá trình khai thác vận hành thí điểm. Sau khi hoàn thành thí điểm, Sở Giao thông Vận tải sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện các ưu nhược điểm, bất cập, tồn tại để đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ đối với hệ thống giao thông thông minh (đặc biệt là Trung tâm Điều hành giao thông thông minh) làm cơ sở cho việc triển khai đề án ‘‘Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội ” một cách hiệu quả, khả thi, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu./.