Tại các vùng bị ngập úng, công tác hỗ trợ đã được thành phố Hà Nội cùng các cấp, ngành và người dân các địa bàn lân cận triển khai từ sớm.
Hơn 10 ngày qua, hàng nghìn hộ dân thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) vẫn bị cô lập bởi nước lũ. Ngày 1/8, trong khi một số điểm thuộc huyện Quốc Oai đã bắt đầu cạn nước thì tại huyện Chương Mỹ, nước vẫn rút rất chậm, nhiều điểm còn ngập sâu và bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm.
* Phục hồi sản xuất, ổn định đời sống người dân
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, huyện đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương đóng điện trở lại cho các hộ ở khu vực nước rút đảm bảo an toàn, hỗ trợ bóng điện, dây điện cho các hộ khó khăn. UBND các xã, thị trấn triển khai ngay việc tổng vệ sinh môi trường, dọn rác thải, xác động vật; đồng thời thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương sớm triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân. Vùng ngập sau khi rút cạn nước sẽ trồng rau và cây vụ Đông sớm. UBND huyện sẽ hỗ trợ cây giống theo đề xuất của Phòng Kinh tế.
Ngay sau khi nước rút, các xã khẩn trương kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi; chủ động triển khai phương án hỗ trợ khám, chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế, không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu…
Tại huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trường Sơn cho biết, bên cạnh các phương án bảo đảm an toàn đê điều, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương cung cấp đủ nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng bị ngập. Trong đó, các địa phương cần chú trọng về an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống đầy đủ cho người dân. Trong trường hợp úng ngập nhiều ngày, huyện sẽ hỗ trợ các hộ dân bình và bếp gas mini để sử dụng; kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ gạo, thực phẩm, đồ khô và rau xanh để cung cấp cho người dân.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, sau khi nước rút, huyện sẽ huy động lực lượng quân đội, Công an, Đoàn Thanh niên tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xác động vật chết; bố trí tổ y tế dự phòng khử khuẩn môi trường, cung cấp thuốc trị bệnh ngoài da, đau mắt đỏ… cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
“Ngay từ sáng 1/8, khi nước bắt đầu rút, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng phun khử khuẩn đường làng, ngõ xóm tại thôn Cấn Hạ; đồng thời cho rải vôi bột hai bên đường theo phương châm nước rút tới đâu làm ngay tới đó, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm tại những nơi bị ngập sâu trong nhiều ngày. Tại một số tuyến đường bị ngập sâu, chúng tôi sẽ cho lực lượng dọn vệ sinh tránh trơn trượt cho người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
* Người dân chủ động chống ngập
Con đường dẫn vào các thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Côn, Hạnh Bồ của xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn ngập trong nước lũ. Sau hơn 10 ngày, nước đã chuyển màu xanh lục và phảng phất mùi hôi, vẫn còn những mảng rác nổi. Ghi nhận của phóng viên ngày 1/8, các tuyến đường tại địa phận 4 thôn đều mênh mông nước. Vài ngôi nhà 1 tầng bị ngập sâu, chỉ còn thấy một phần mái nhà. Tuyến đường liên xã Tân Tiến - Nam Phương Tiến ngập cao hơn, nhiều cây cao chỉ thấy ngọn.
Anh Nguyễn Văn Tân (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) cho biết, anh đã từng chứng kiến nhiều lần ngập lụt nên đã sớm có chuẩn bị. Ngay từ khi nghe được thông tin dự báo thời tiết có nguy cơ xảy ra ngập nặng, vợ chồng anh đã gửi hai con sang nhà ông bà ngoại. “Đến hôm nay, nước đã rút được khoảng 30 - 50 cm nhưng trời vẫn tiếp tục mưa nên chắc sẽ rút rất chậm. Theo kinh nghiệm của anh thì chắc phải nửa tháng nữa mới hết ngập hoàn toàn”, anh Nguyễn Văn Tân chia sẻ.
Cả 3 ngôi trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A vẫn ngập trong nước. Tại các trường học, Ban Giám hiệu đều có mặt, cùng một số nhân viên theo dõi tiến độ nước rút để sẵn sàng khắc phục hậu quả, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A Nguyễn Bá Thắng cho biết, ngay khi xảy ra mưa lớn, nhà trường đã khẩn trương di chuyển trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu lên trên tầng cao để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời cắt cử nhân viên ứng trực tại chỗ. Bên cạnh đó, nhà trường đã có thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên sẵn sàng tới trường để dọn vệ sinh khi nước rút, đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi năm học mới đang tới gần.
Tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu - nơi được coi là “ốc đảo” của huyện Quốc Oai, đến trưa 1/8, nước lũ đã dần rút, con đường liên thôn đã khô ráo. Tuy nhiên, những ngõ nhỏ dẫn về phía cánh đồng vẫn ngập nước và theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì “còn lâu mới hết ngập”. Bà Nguyễn Thị Từ (xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu) cho biết, năm nay không ngập nặng như năm 2018, nhưng cũng làm đảo lộn cuộc sống của gia đình bà. Gia đình bà thu mua sản phẩm nông nghiệp của người dân nên khi giao thông bị chia cắt, mọi công việc kinh doanh bị tạm dừng.
“Dù đã “quen” với ngập do đặc điểm địa phương, nhưng khó khăn và thiệt hại trong những ngày bị cô lập là không tránh khỏi. Giờ, nước cũng rút bớt rồi thì lại lo bệnh tật, vệ sinh. Cũng may là người dân chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất của thành phố, huyện, xã và nhiều người dân địa phương”, bà Nguyễn Thị Từ tâm sự.
* Chung sức hỗ trợ nhân dân
Theo thống kê của xã Nam Phương Tiến, đến ngày 31/7, cuộc sống của gần 800 hộ dân và hơn 3.700 nhân khẩu thuộc 4 thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Côn, Hạnh Bồ vẫn gặp nhiều khó khăn khi nước lũ rút chậm. Xã Nam Phương Tiến đã huy động 250 người, trong đó có 150 cán bộ, chiến sĩ quân đội, 100 người là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của địa phương cùng các phương tiện hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản từ nơi úng ngập đến vùng cao an toàn. Các đơn vị, đoàn thể cùng góp sức vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ của các cấp, ngành đến các hộ dân bị nước lũ cô lập. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cử cán bộ đến đi chợ giúp người dân trong vùng ngập lụt…
Chị Cao Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Phương Tiến cho biết, ngay những ngày đầu xảy ra tình trạng ngập úng, Ban Chấp hành Hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đảm bảo cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng lũ nhanh chóng và hiệu quả; trong đó, ưu tiên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em.
“Chúng tôi cử Phó Chủ tịch Hội là “đầu mối”, tổng hợp từ các cơ sở thôn. Tại các chi hội sẽ phân thành các tổ, nhóm và chi hội trưởng sẽ là người tổng hợp từ các tổ nhóm; trong đó, mỗi tổ, nhóm phụ trách từ 20 - 30 gia đình. Khi nhận thông tin về các nhu yếu phẩm và thuốc của các gia đình, tổ, nhóm ghi chép đơn hàng theo từng hộ; sau đó tiếp nhận hàng hóa từ đầu các các chi hội trưởng để chuyển tới các gia đình”, chị Cao Thị Luyến chia sẻ.
Kịp thời hỗ trợ gia đình các giáo viên Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến B gặp khó khăn do bị cô lập bởi nước lũ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nam Phương Tiến A Phạm Thu Hà cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của các giáo viên sinh sống tại vùng ngập. Mỗi lần ngập, họ không chỉ phải đảm bảo an toàn cuộc sống gia đình mà còn luôn là người tiên phong trong công việc của nhà trường. Khi nước rút, họ vừa dọn dẹp nhà mình vừa xung phong tới trường chuẩn bị cho năm học mới”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, để ứng phó các tình huống thiên tai, hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định đời sống, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người, 199 phương tiện (trong đó có 450 cán bộ, chiến sĩ và 17 phương tiện của đơn vị quân đội) hỗ trợ người dân di rời người và vận chuyển tài sản từ vùng úng ngập đến nơi an toàn; phân luồng giao thông, không để người và phương tiện đi qua khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bảo vệ tài sản của người dân.
Huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân vùng úng ngập 3.701 thùng mì tôm, 100 gói lương khô, 65 thùng sữa tươi, 3.010 bình nước uống, 820 chai nước mắm; tặng 601 suất quà bằng tiền mặt với tổng số gần 172 triệu đồng; 1.800 quả trứng gà, 100 lít dầu thắp sáng, 1.000 gói thuốc nhỏ mắt, chữa bệnh ngoài da, tiêu chảy, khử khuẩn nguồn nước…
Công tác hỗ trợ tại huyện Quốc Oai cũng được các cấp chính quyền triển khai kịp thời, không để người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. UBND huyện đã huy động 3.890 người và 156 phương tiện tham gia (trong đó, quân đội đóng trên địa bàn 490 người; quân đội tăng cường 450 người; Công an 239 người). UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện, các đoàn thể đã tổ chức hỗ trợ 160 suất quà cho các hộ bị ngập sâu gặp khó khăn (mỗi hộ 20 kg gạo, 3 thùng mì tôm, 3 bình nước uống 20 lít) và đang tiếp tục hỗ trợ các hộ còn lại ít bị ảnh hưởng. Thành đoàn Hà Nội đã hỗ trợ huyện xuồng hơi, 100 thùng mì tôm, 400 thùng nước và 2.000 áo mưa. Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng tổ chức thăm hỏi gia đình có người tử vong và nhà bị sập do sạt lở đất.
Chính quyền địa phương đã tổ chức động viên thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nam công nhân (sinh năm 1968 hộ khẩu thường trú xã Hòa Thạch, làm việc tại Công ty nước VillaHN) bị chết do mưa lũ; động viên, thăm hỏi, hỗ trợ 30 triệu đồng và đang tiếp tục xã hội hóa hỗ trợ thêm cho gia đình bà Nguyễn Thị Thìn có nhà sập nhà do sạt lở đất, tại xã Phú Mãn./.