Ngày sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị thương vong; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ ngày 29-30/7 ở khu vực Bắc Bộ đã làm 5 người thương vong với nhiều thiệt hại.
Tính đến 17 giờ ngày 30/7, mưa lớn tại tỉnh Điện Biên làm 2 người chết ở huyện Tủa Chùa và huyện Mường Chà (do sạt lở đất đá và lũ cuốn trôi); 35 nhà bị sạt lở, ngập lụt, ảnh hưởng (Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Chà); 17 nhà phải di chuyển khẩn cấp (Nậm Pồ); 33,65 ha lúa bị thiệt hại (Mường Nhé, Mường Chà); 2 ao cá bị vỡ bờ trôi khoảng 200kg cá (huyện Mường Nhé); 6 tuyến đường liên xã, bản bị sạt lở khoảng 718m3 (huyện Mường Nhé); 3 tuyến đường liên xã, bản bị sạt lở 9 điểm (huyện Nậm Pồ); 1 tuyến đường liên xã, bản bị sạt lở 150m3 (huyện Mường Chà). Ước tính tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn đã làm 1 người chết tại cầu tràn Vằng Chương, xóm Nà To, xã Định Biên, huyện Định Hóa; sạt lở khoảng 20m3 đất đá vào trại gà làm hư hỏng 112m2 mái trại và chết 200 con gà, sạt lở 8m bờ sông và 80m tường...; ước thiệt hại khoảng 290 triệu đồng.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn làm 2 người bị thương (do sạt lở đất); 15 nhà bị taluy dương sạt lở vào (thành phố Bắc Kạn, Chợ Mới, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì); 13,365 ha lúa bị ngập; 9,82 ha ngô, rau màu; 0,38 ha ao nuôi nhỏ bị thiệt hại. Mưa lớn khiến sạt lở ta luy dương các tuyến đường như quốc lộ 3B vào Na Rì đoạn Kéo Coi lên Nà Dài xã Cư Lễ; đường Giao thông liên xã Cư Lễ - Văn Minh; đường Nà Ngăm xã Cẩm Giàng; đường Quốc lộ 3 (đoạn km 13-14 từ thành phố Bắc Kạn đến Phủ Thông); đường nội thôn Cốc Xả xã Quân Hà; đường liên xã Quân Hà - Lục Bình (khu vực thôn Cốc Xả) với khoảng 172m3 đất đá.
Các công trình khác bị sạt lở taluy dương tại huyện Na Rì như trụ sở Công an xã Cư Lễ, Trạm Y tế xã Quang Phong với khoảng 230m3 đất đá; trường Mầm non xã Vi Hương huyện Bạch Thông khoảng 35m3. Mưa lớn còn làm đổ 1 tường rào khoảng 20m của hộ dân, đổ 120m tường rào của Trường Tiểu học Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn). Công trình thủy lợi Đập Lủng Kén, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông gãy thành kênh dài khoảng 7m.
Tại tỉnh Lạng Sơn, mưa lớn làm 26 nhà bị ảnh hưởng; tuyến đường Nà Bung - Pác Làng trên địa bàn huyện Văn Quan bị sạt lở 5 điểm; sạt lở taluy dương trên 4 tuyến đường huyện (ĐH.50, ĐH.51, ĐH.56 và ĐH.59) và 1 tuyến đường xã với tổng khối
lượng đất đá bị sạt lở khoảng 900m3. Huyện Tràng Định bị sạt lở 1 điểm taluy dương tại đường ĐH02; thành phố Lạng Sơn bị sạt lở 3 điểm taluy âm, dương trên tuyến đường Văn Vỉ và Thác Trà...
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến phố của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị ngập úng cục bộ như: Phường Bãi Cháy, Hồng Hải, Hồng Hà, Hoành Bồ, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Hà Tu, Hà Trung, Bạch Đằng, Hồng Gai… Mưa lớn làm sạt lở kè tự xây (Tổ 6 khu 1b, phường Hồng Hải) và kè mái ta luy dương đường Đặng Bá Hát (Tổ 13 khu 1, phường Hồng Gai).
Ngày sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị thương vong; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, di dời người và tài sản đến nơi an toàn ...; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, Bắc Bộ vẫn có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Để ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tiếp tục triển khai văn bản số 5378/BNN-ĐĐ ngày 26/7 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ứng phó với mưa lớn; trong đó, tập trung vào việc huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn. Các địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh hạ du sông Hồng, sông Thái Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai./.