Thời sự

Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

Hà Tĩnh

Với những định hướng và giải pháp cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Quang cảnh Hội thảo khoa học. 
Ảnh: Công Tường-TTXVN

Ngày 10/8, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú và lợi thế về biển, Hà Tĩnh được đánh giá là một tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế xanh. Hà Tĩnh đang tập trung khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và thủy điện, đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là vùng trung tâm kết nối chiến lược với Lào và Đông Bắc Thái Lan với tuyến đường sắt xuyên Á từ Vũng Áng qua Mụ Giạ sang Lào, Đông Bắc Thái Lan đang được nghiên cứu để đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ logistics và du lịch phát triển.

Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, đa dạng, có 325.000 ha rừng; nhiều thắng cảnh và tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo và thủy điện, thị trường tín chỉ carbon.

Tham luận “Phát triển xanh thách thức Hà Tĩnh”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu lên những thuận lợi từ vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng đến rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển xanh. Vì thế, Hà Tĩnh cần biết vận dụng những thuận lợi đó để tạo cơ hội phát triển xanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh đã nêu ra cách thức triển khai phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực và theo không gian lãnh thổ để phát huy lợi thế. Chuyển đổi xanh cần phải được toàn xã hội hiểu biết và đồng thuận thông qua các cách thức quảng bá khác nhau, từ đó trao đổi thông tin, tạo lập thị trường, chuyển giao công nghệ và quảng bá sản phẩm xanh của tỉnh.

Các tham luận tại hội thảo đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội trong tạo động lực, huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh cho Hà Tĩnh.

Các đại biểu thảo luận những vấn đề hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ để thực hiện các chiến lược, kế hoạch quốc về tăng trưởng xanh, nhận diện và xác định đúng nguyên nhân, bất cập hiện nay...

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh  Hoàng Trung Dũng cho rằng, sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của Hà Tĩnh. Với những định hướng và giải pháp cụ thể, tỉnh đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các dự án, mô hình sản xuất kinh doanh công nghệ cao, thân thiện môi trường; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo, dự án công nghiệp sử dụng năng lượng sạch. Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo đột phá cho quá trình chuyển đổi xanh; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Hà Tĩnh xác định sản xuất công nghiệp là động lực đột phá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường được ưu tiên thu hút đầu tư. Tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư công nghệ cao. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đầu tư vào Hà Tĩnh trên các lĩnh vực xanh, xây dựng đô thị thông minh. Tỉnh đã từng bước rà soát, loại bỏ các dự án công nghiệp nặng có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường; đề xuất chấm dứt Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; chuyển các dự án điện than thành điện khí…

Về nông nghiệp, Hà Tĩnh quan tâm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổng diện tích sản xuất hữu cơ toàn tỉnh đạt 385 ha; có 45 mô hình nông nghiệp hữu cơ. Với tổng diện tích rừng 315.000 ha, tỷ lệ che phủ đạt 52,6% là nguồn tài nguyên quan trọng để Hà Tĩnh phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phát triển thị trường tín chỉ carbon./.

Công Tường

Tin liên quan

Xem thêm