Mong ước chung của rất nhiều người đã chấp hành xong án phạt tù là có một công việc chân chính nhằm thay đổi cuộc sống.
Đối với những người từng lầm lỡ thì con đường hoàn lương sau khi ra tù còn nhiều gian nan, thử thách. Có nhiều người đã vượt qua được mặc cảm, khó khăn để tái hòa nhập cuộc sống, lao động kinh doanh, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và tạo công ăn việc làm cho những người khác. Câu chuyện về hai anh em ruột ở Thanh Hóa là một trường hợp như thế.
Anh Trương Đình Thái (thành phố Thanh Hóa) và em trai trước đây có những phút giây lầm lỡ vướng vào con đường phạm tội. Cả hai anh em đều phải đi trả án về tội tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Nhận thức được những sai lầm, lãng phí thời gian, sức khỏe theo những cuộc chơi, anh Thái quyết tâm làm lại cuộc đời.
"Sai lầm quá khứ thì đã là sai rồi, mình muốn làm người bình thường như bao con người khác” – anh Thái chia sẻ.
Sau khi mãn hạn trở về địa phương, ban đầu anh cũng chỉ cố gắng tìm được công việc ổn định để có kế sinh nhai. Sống giữa làng nghề, anh tập trung vào làm gia công, cắt, xẻ, mài, tạo hình… cho các sản phẩm đá tự nhiên. Sau nhiều năm tu chí làm ăn, với nghị lực vươn lên của bản thân, cộng với sự động viên giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, các cơ quan chức năng, người đàn ông đã từng lầm lỡ, nay đã thành một chủ xưởng chế tác đá.
Anh Thái chia sẻ, quá trình làm xưởng đá cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trở về địa phương, những người ra tù như anh Thái không tránh khỏi mặc cảm, tự ti về quá khứ tội lỗi. Bên cạnh đó là hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu vốn để sản xuất. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền các cấp, lực lượng công an xã, sự giúp đỡ, động viên của gia đình, hàng xóm, anh đã dần lấy lại niềm tin, tập trung lao động, sản xuất.
Năm 2023, anh được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù. Nguồn vốn vay hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa giúp anh có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ tạo kế sinh nhai cho bản thân, cơ sở chế tác đá của anh Thái còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 người, thu nhập từ 12-15 triệu đồng/người/tháng. Khi sản phẩm có được niềm tin, đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng, anh đầu tư mua máy móc mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2025 tiếp tục mở rộng thêm 1 xưởng sản xuất.
Bên cạnh đó, không chỉ ổn định cuộc sống và sản xuất, kinh doanh, anh luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ khi hoàn lương trở về tái hòa nhập cộng đồng. Xưởng chế tác đá cũng nhận nhiều lao động là người ra tù.
“Mình đã trải qua và thấu hiểu tình cảnh những người lầm lỗi trở về địa phương sau khi mãn hạn tù, nên anh em cùng động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhau khi về hòa nhập cộng đồng. Có công việc ổn định thì sẽ tránh những lỗi lầm đáng tiếc” – anh Thái chia sẻ.
Hai anh em ruột cùng vướng vào những cuộc chơi lầm lỡ. Anh đi trả án về trước, em trai trả án về sau. Có công việc ổn định, anh Trương Đình Thái khuyên nhủ, động viên, “truyền nghề” cho em trai là Trương Đình Phú cũng làm gia công, chế tác đá tự nhiên.
“Giờ em trai còn làm tốt hơn cả mình” – anh Trương Đình Thái tươi cười chia sẻ.
Tại xưởng của anh Phú, tiếng kêu của các loại máy mài đá rền vang, mấy chục nhân công, lao động thực hiện gia công, cắt, xẻ, mài, tạo hình… cho các sản phẩm đá tự nhiên. Các sản phẩm đá chế biến tại xưởng là đá lát sân, vườn, đá mỹ nghệ, không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn đưa sản phẩm đi các tỉnh, thành phố khác. Đây cũng là một trong những cơ sở sản xuất được vay vốn tín dụng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, tạo điều kiện cho nhiều người lầm lỡ có việc làm.
Mỗi năm, hàng chục nghìn người chấp hành xong án phạt tù trở lại cộng đồng. Mong ước chung của rất nhiều người đã chấp hành xong án phạt tù là có một công việc chân chính nhằm thay đổi cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Với những chính sách hỗ trợ ý nghĩa, kịp thời, những người như anh em Trương Đình Thái, Trương Đình Phú đã nghị lực vươn lên, vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, đã tự tạo việc làm, trở thành người công dân có ích.
Nhằm tạo điều kiện cho các phạm nhân được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, gần đây là Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an) cho biết, các chính sách này không chỉ tạo hành lang pháp lý đồng bộ mà còn giúp họ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để làm ăn, phát triển kinh tế. Công tác tuyên truyền cũng có bước chuyển rõ rệt. Nhận thức của xã hội về người chấp hành xong án đã thay đổi tích cực, sự kỳ thị giảm dần, thay vào đó là tinh thần sẻ chia, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
Cùng với đó, tỷ lệ tái phạm tội tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Đây là kết quả của sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các cấp, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt trong việc giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng người tái hòa nhập. Nhiều mô hình thiết thực đã được triển khai như quỹ hỗ trợ tái hòa nhập, phiên giao dịch việc làm, đào tạo nghề, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tài chính… Các mô hình này không chỉ giúp người chấp hành xong án và người được đặc xá sớm ổn định cuộc sống, mà còn góp phần xây dựng một môi trường xã hội an toàn, nhân văn và bền vững./.
- Từ khóa:
- hoàn lương
- người ra tù