Quân và dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: Nhiệt huyết của thanh niên quê hương cách mạng
Bà Nguyễn Thị Bé (Long An) đã dành cả thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Bà Nguyễn Thị Bé, nguyên Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh (huyện Đức Hòa), Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An đã dành cả thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Câu chuyện của bà kể không nặng về đau khổ, hy sinh, mất mát, điều đọng lại nhiều nhất với bà chỉ là niềm vui: vui vì được công tác, nhân dân yêu thương đùm bọc, che chở và hạnh phúc vì các thế hệ con cháu hôm nay được sống trong hòa bình.
*Địa bàn hoạt động dày đặc đồn địch
Lịch sử huyện Đức Hòa ghi: Trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước từ năm 1954 - 1975, Đức Hòa vừa gánh vác trách nhiệm của một hành lang chiến lược nối liền con đường huyết mạch của cách mạng từ miền Tây đến miền Đông, vừa giữ vững vị trí của một bàn đạp vào đô thị Sài Gòn, vừa là hậu phương nuôi giấu bảo vệ lực lượng cách mạng, góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Xác định vị trí chiến lược, cả ta và địch đều tập trung lực lượng rất mạnh tại đây. Ta vẫn giữ là tỉnh Chợ Lớn. Riêng phía Ngụy quyền Sài Gòn khi thiết lập chế độ cai trị ở miền Nam, năm 1963, quyết định cắt hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ của Long An nhập với hai huyện Trảng Bàng và Củ Chi, lập thành một tỉnh mới là tỉnh Hậu Nghĩa, tồn tại đến ngày giải phóng.
Ngụy quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Hậu Nghĩa có tòa án, có phân chi khu - trụ sở tỉnh đóng tại UBND huyện Đức Hòa ngày nay (sau giải phóng không hư hao nhiều).
Việc chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Hậu Nghĩa riêng biệt như thế để chúng dễ bình định. Ở đây, chúng huy động lực lượng toàn ác ôn dữ tợn. Riêng địa bàn xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa chúng lập tới 15 - 16 đồn bốt, xây dựng một đội phòng vệ khét tiếng, hòng áp dụng chính sách bình định đặc biệt, gắt gao.
Bà Nguyễn Thị Bé (Sáu Bé) là con thứ 6 trong một gia đình nông dân yêu nước ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Ba mẹ nuôi giấu cán bộ trong nhà. Cậu hai của bà Sáu Bé (anh trai của mẹ) là Huyện ủy viên huyện Đức Hòa, hy sinh 1953 trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Tất cả những người con của cậu đều đi theo cách mạng, vào chiến khu. Trong đó có người anh họ công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy, hy sinh năm 1970 tới nay chưa tìm thấy hài cốt. Anh hy sinh khi còn rất trẻ, chưa có vợ con.
Năm 14-15 tuổi, Sáu Bé đã tham gia cách mạng, trong các phong trào thanh niên diệt ác, phá kiềm... Năm 1972, Nguyễn Thị Bé là Bí thư đoàn xã Mỹ Hạnh, đồng chí Thành là Phó Bí thư. Đồng chí Thành bị địch bắn, cột dây lôi anh dưới đường đất đỏ. Lúc đó, gia đình mới biết anh đã hy sinh…
Chiến tranh đau thương đến tàn khốc. Nhưng máu làm cách mạng trong Sáu Bé chưa bao giờ vơi. Bà nói, đã đi làm cách mạng là xác định phải hy sinh đến ngày độc lập.
Quá trình hoạt động, Sáu Bé bị bắt 2 lần. Lần đầu vào khoảng cuối năm 1967 khi mới 17 tuổi. Sau đó, Sáu Bé là một trong số những người được thả. Lần thứ 2 năm 1973, bị bắt bị tra tấn dã man nhưng bà không nao núng, không khai báo. Vì bà không có tài liệu gì trong tay, giặc không có bằng chứng, sau khi đưa ra tòa xét xử phải thả bà ra. Sáu Bé quay trở về với cách mạng.
Sợ lộ, tổ chức rút bà về hoạt động trong hầm. Bà nhớ lúc hoạt động bí mật làm được nhiều việc, mang thư đi khắp nơi. Bà quen với lính, nắm được tình hình, xây dựng cơ sở trong lòng địch. Thế nên bà vô cùng khâm phục điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, Anh hùng Nguyễn Thị Ba - nữ tình báo lừng danh của chiến trường miền Nam (quê Đức Hòa, Long An).
Thời gian này, phong trào Diệt ác ở Mỹ Hạnh phát triển rất mạnh. Ngày ở dưới hầm, tối lại lên hoạt động. Hầm hình chữ L, có bà cùng 2 đồng chí nam, chỉ đủ chỗ để nằm co. Sáng 4 giờ chui xuống, người dân đậy nắp hầm, 19 giờ lên ăn cơm rồi tắm gội, đi công tác: hoạt động, họp hội, nắm tình hình (giữa các hầm - các ấp với nhau)...
Hầm bà ở trong nhà người dân ngay sát bên đồn địch. Lính ở bên trên lịch kịch, đi lại, nói hay làm gì ở dưới bà đều biết hết.
“Người dân dù nghèo nhưng đùm bọc, che chở, nuôi giấu mình, thương lắm”, bà nhắc nhớ mãi tình thương mà nhân dân dành cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là giai đoạn bà luôn ở trong vùng trọng yếu, ở nhà gần đồn địch. Tối lực lượng du kích mật của mình lên, chỗ nào không có đồn, cắm cờ làm tiêu cho xe tăng mình chuẩn bị tiến về Sài Gòn.
“Chiến dịch Hồ Chí Minh hoạt động vui lắm, chuẩn bị ghê gớm lắm, nhờ thế mà anh em càng hăng say”, bà Sáu Bé nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Góp sức xây dựng quê hương
Đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Bé tròn 25 tuổi, cùng đồng đội bắt tay xây dựng quê hương. Lúc này, bà được điều về công tác ở Tỉnh đoàn Long An. Bà Nguyễn Thị Bé kể: “Sau giải phóng mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn, nhưng ai ai cũng vui.
Vài năm sau, tỉnh có chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười, bắt đầu từ công tác đắp đường xuyên vùng ngập nước, phèn chua.
Năm 29 tuổi, ở cương vị Phó Bí thư Tỉnh đoàn, bà tham gia chỉ huy đắp Tỉnh lộ 49 (nay là Quốc lộ 62). Bà không nhớ rõ năm nào, chỉ nhớ năm đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, ngày đắp đường, đêm phải canh gác.
Bà là thành viên Ban chỉ huy công trình, đóng quân ở vùng đồng bưng suốt 2 năm, thời mà muỗi còn kêu như sáo thổi. Những lúc đông, đội quân bà chỉ huy lên tới hàng ngàn người gồm các lực lượng thanh niên, phụ nữ, cán bộ, nhân viên các phòng ban, sở, ngành… Mỗi cơ quan, đơn vị từng đợt có khoảng 10 - 20 người. Cứ từng đợt hàng ngàn người tham gia đắp đường thủ công, thi đua ai làm nhanh, đạt yêu cầu về chất lượng.
Công việc của nữ chỉ huy đắp đường khi đó là nhận nhiệm vụ, họp bàn, lên ga - phóng tuyến, đo kỹ thuật, nghiệm thu công trình… Việc làm không hết, nhiều khi đêm không có thời gian ngủ. Anh em làm ngày mệt, tối về ngủ ngon. Bà lại đốt đèn trong mùng, làm cho công việc ngày mai.
Trong ký ức của nữ chỉ huy đắp đường, đó là những tháng ngày gian lao nhưng rộn rã niềm vui. Giữa đồng hoang không có nhà dân hay nước sạch, chủ yếu dùng nước sông lắng cho trong. Anh em vừa làm vừa vui vẻ, cười nói, không biết mệt, trên công trường luôn rộn tiếng ca.
“Hồi đó từ thị xã Tân An lên Đồng Tháp Mười nếu đi tàu mất cả ngày đêm. Từ khi có đường, nhất là đường nhựa từ sau năm 2000, đi tới huyện biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng chỉ mất khoảng 3 giờ. Tôi cùng đồng đội luôn tự hào và phấn khởi vì đã góp công sức nhỏ bé của mình, làm nên Quốc lộ 62 như ngày hôm nay”, bà Sáu Bé nhớ lại.
Sau này, bà làm Phó Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội, rồi Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu. Dành cả thanh xuân cho kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hòa bình lập lại, bà lại góp sức xây dựng quê hương, không màng tới hạnh phúc riêng của bản thân, nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng. Bà được nhân dân yêu thương, đồng đội cảm phục, là tấm gương sáng để các thế hệ thanh niên học tập, noi theo./. (Còn nữa)
Bài 3: Vẹn nguyên ký ức của người bác sĩ quân y