Mỗi người dân Yên Bái lại bồi hồi nhớ về những năm tháng hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả dân tộc.
Những ngày này, cùng với người dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tự hào hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Năm mươi mùa Xuân qua, âm hưởng hào hùng của một thời kháng chiến vẫn luôn cổ vũ người dân Yên Bái tự hào về truyền thống anh hùng, không ngừng nỗ lực cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phát triển.
Trong không khí vui tươi phấn khởi, mỗi người dân Yên Bái lại bồi hồi nhớ về những năm tháng hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả dân tộc. Đặc biệt, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã vượt lên mọi khó khăn, tập trung sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử 30/4 vô cùng oanh liệt, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất giang sơn.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của dân tộc, nhân dân Yên Bái tự hào vì đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó, có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Năm mươi mùa Xuân qua, với những người lính năm xưa, ký ức về một thời khói lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Cựu chiến binh Lương Khuyến Giang ở Tổ dân phố 6, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái), dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe giảm sút, nhưng mỗi khi nhắc đến những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường miền Nam, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm xúc động khó tả.
Cựu chiến binh Lương Khuyến Giang chia sẻ: Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên ngày ấy viết tâm thư bằng máu, với quyết tâm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Lúc đó không nghĩ gì, mọi việc để lại phía sau từ gia đình, quê hương, bố mẹ, con cái và chúng tôi chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ.
Trở về quê hương sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, mang trên mình những vết thương, nhưng cựu chiến binh Lương Khuyến Giang không đầu hàng số phận. Với ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, ông đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng quê hương Yên Bình ngày càng đổi mới.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhận thấy tiềm năng của vùng đất đồi rừng ven hồ Thác Bà, ông Giang đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Trên diện tích hơn 4,5 ha, ông trồng quế, bạch đàn, cải tạo ao nuôi cá thương phẩm và kết hợp dịch vụ câu cá.
Ông Giang chia sẻ thêm, năm 1990, cả nước nói chung rất khó khăn, chúng tôi vẫn nói phải tự cứu lấy mình, như lời Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Hãy tự cứu lấy mình”. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, là một thương binh, ông không ngại gian khổ. Quyết không thể sống đói nghèo, ông đưa vợ con vào vùng đất đồi rừng ven hồ Thác Bà trồng hơn 4ha rừng, chăn nuôi trồng trọt để đảm bảo cuộc sống. Cách làm này đã mang lại nguồn thu ổn định hằng năm cho gia đình ông.
Chưa dừng lại ở đó, ông Giang còn đầu tư chăn nuôi dê, duy trì đàn từ 30-35 con, có thời điểm lên đến 60 con. Giống dê ta tuy nhỏ hơn dê lai, nhưng dễ nuôi, thịt ngon, giá cả ổn định, giúp ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Trong quá trình phát triển kinh tế, mỗi khi gặp khó khăn, ông luôn nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Chính ý chí và nghị lực được tôi luyện trong chiến tranh đã giúp ông vượt qua mọi thử thách.
Mở chiếc hộp gỗ đã nhuốm màu thời gian, cựu chiến binh Hà Hồng Việt (ở tổ dân phố 5, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) trân trọng nâng niu những kỷ vật thiêng liêng, những tấm huân huy chương kháng chiến, những tờ giấy chứng nhận chiến công đã phai màu. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện, một dấu mốc của những năm tháng ông và đồng đội cùng nhau vượt qua mưa bom bão đạn.
Ngắm nhìn những kỷ vật của mình, ánh mắt người lính già rạng ngời niềm tự hào. Với ông, đây không chỉ là phần thưởng, mà còn là hình bóng của những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, là minh chứng cho một thế hệ thanh niên đã hiến dâng cả tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Hà Hồng Việt nhớ lại, chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Ban ngày ông cùng đồng đội ở trên những vùng núi giáp ranh, tối thì xuống đánh giặc, bị địch phục kích rất nhiều. Bom B52 giặc thả thường xuyên, vô cùng ác liệt nhưng ai cũng đều cố gắng vì độc lập của Tổ quốc.
Ông Việt đã bước sang tuổi 83, sức khỏe cũng giảm sút đi nhiều, thế nhưng những ký ức về những ngày khói lửa, nơi chiến trường miền Nam vẫn còn mãi và là kỷ niệm mà mỗi khi nhắc lại cảm xúc trong ông như vẫn còn vẹn nguyên.
Tinh thần Bộ đội Cụ Hồ năm xưa, với lý tưởng cách mạng, tình yêu Tổ quốc và niềm tin vào ngày thống nhất vẫn luôn chảy mãi trong mỗi người dân Yên Bái hôm nay. Không chỉ những người lính năm xưa, mà lớp đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống, tiên phong trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Từ trồng rừng, chăn nuôi, đến phát triển du lịch sinh thái, người dân Yên Bái đang cùng nhau "vẽ nên" một diện mạo mới cho quê hương, bằng chính lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông. Điển hình như ông Trần Văn Thanh, người con của dân tộc Cao Lan, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đình, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Với vai trò của mình, ông luôn tận tâm, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu, quý mến.
Trong xây dựng nông thôn mới, ông Thanh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương. Không chỉ vậy, Trưởng thôn Trần Văn Thanh còn gương mẫu trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trong thôn.
Ông còn là người tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tận dụng lợi thế đất rừng để trồng rừng kinh tế và chăn nuôi bò sinh sản. Mô hình kinh tế của gia đình ông ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng mỗi năm, trở thành tấm gương để bà con trong thôn học tập và làm theo.
Ông Trần Văn Thanh cho biết, trong thời gian tới, gia đình ông tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, diện tích rừng sắp đến kỳ khai thác, khi khai thác xong gia đình sẽ tiếp tục trồng mới. Với vai trò của mình ông sẽ cố gắng đi đầu phát triển kinh tế và chia sẻ với nhân dân để cùng nhau ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê.
Có thể thấy, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của những cựu chiến binh, những tấm gương đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, khúc ca “Thống nhất non sông” năm xưa không chỉ là ký ức hào hùng mà còn là động lực mạnh mẽ để mỗi người con Yên Bái xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đưa Yên Bái đến những tầm cao mới, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông./.
- Từ khóa:
- Yên Bái
- cựu chiến binh