Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết về những người đã sống và chiến đấu trên khắp chiến trường Nam Bộ, với tài trí, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của quân - dân miền Nam, đưa đất nước tới ngày thống nhất.
Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, hòa bình đang có là vô giá. Để có được nền hòa bình, độc lập, biết bao máu xương của cha anh đã đổ xuống. Những câu chuyện về các anh hùng trong thời chiến trên các mặt trận chỉ đủ để khắc hỏa một phần rất nhỏ những gian nan, chông gai và những hy sinh không thể nói thành lời.
Bài 1: Truyền lửa tinh thần
“Điện ảnh bưng biền” ra đời từ những tháng năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp - được xem là khai sinh ra nền điện ảnh Việt Nam. Bất chấp mọi khó khăn gian khổ, những thước phim đầu tiên là một kỳ công, là trí tuệ, mồ hôi, xương máu và cả niềm tự hào của các chiến sĩ điện ảnh bưng biền, đã truyền lửa tinh thần vô cùng to lớn cho cuộc chiến gian lao của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Làm phim giữa mênh mông Đồng Tháp Mười
Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ (1945 - 1975) của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh ghi: “Tháng 11/1997, nhà điện ảnh Khương Mễ cùng với nữ đạo diễn Xuân Phượng, đặt chân vào Liên hoan phim lần thứ 17 ở Amiens nước Cộng hòa Pháp, mang theo một triển lãm nhỏ gồm một số phim cũ và vật chứng mô hình, trang thiết bị của điện ảnh bưng biền Nam Bộ hồi kháng chiến chống Pháp. Cuộc ra mắt rất bình thường ấy đã gây một cơn sốc tại liên hoan phim: giới điện ảnh Pháp kinh ngạc phát hiện ra là trong lịch sử điện ảnh thế giới lại có những hoạt động điện ảnh bưng biền tại Việt Nam, một nền điện ảnh không có điện, không có dây chuyền công nghệ”.
Trong cuộc liên hoan phim đó, Chủ tịch - ông Jean Pierre Garcia đã tuyên bố: Cách đây 100 năm, anh em nhà Lumière đã sáng tạo ra nền điện ảnh thế giới nhưng lúc ấy giữa Thủ đô ánh sáng nước Pháp đã bắt đầu thời kỳ hiện đại hóa... Thật không ngờ, nửa thế kỷ sau, một số nhà điện ảnh bưng biền Nam Bộ, sống trong lòng một đất nước mà bóng đêm nô lệ còn bao phủ đến mức tên tuổi của nó còn chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới đã tạo ra một nền điện ảnh thủ công, với những bước đi bằng những tấm gỗ và tre giữa đầm lầy Đồng Tháp Mười, trong lúc kháng chiến chống lại đạn bom, trong những vùng giải phóng nhỏ hẹp, thiếu thốn mọi thứ... Họ làm việc giữa những mái lều bên bờ kênh, dùng thuyền làm xưởng sản xuất, đi kiếm nước ngọt, tránh mọi ổ phục kích ngày đêm rình rập.
Ấn tượng được mô tả trên đã ăn sâu tới mức, năm 2000, có một đoàn điện ảnh Pháp sang Việt Nam, bắt tay xây dựng một bộ phim có tên Buồng tối của ông Khương Mễ (La chambre noire de Khương Mễ).
Điện ảnh bưng biền - tiền thân của nền Điện ảnh Việt Nam khai sinh ngày 15/10/1947. Đạo diễn Hồ Tây hiện là nhân chứng còn lại duy nhất của điện ảnh bưng biền.
Chúng tôi đến thăm đạo diễn Hồ Tây những ngày đầu tháng 4 tại quê nhà ông ở xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để nghe ông kể chuyện về điện ảnh bưng biền.
Tháng 10/1947, đồng chí Khương Mễ (đang công tác tại Ban Tuyên truyền tỉnh Thủ Dầu Một) nhận được thư của Tư lệnh Khu 8 Trần Văn Trà mời về Khu 8 làm điện ảnh. Khu 8 gồm các tỉnh đã được tổ chức lại: Long - Châu - Sa (gồm 3 phần bên hữu ngạn sông Tiền của 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và các tỉnh Tân An, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh. Căn cứ địa của Quân khu đóng tại Đồng Tháp Mười rộng hàng trăm km2 (thuộc các tỉnh Long Châu Sa, Mỹ Tho, Tân An).
Ngày 15/10/1947, trên đồng bưng Tháp Mười đã ra đời cơ sở đầu tiên của điện ảnh Nam Bộ và điện ảnh Việt Nam, gọi là “Tổ nhiếp - điện ảnh khu 8 - Vệ quốc đoàn” - thường gọi là điện ảnh bưng biền, do nhà điện ảnh Mai Lộc làm Tổ trưởng, hai Phó tổ trưởng là Khương Mễ phụ trách kỹ thuật điện ảnh và Vũ Sơn phụ trách nhiếp ảnh.
Tháp Mười thuở ấy là một cánh đồng rộng, người thưa. Mùa nắng cây khô cỏ cháy, khói nghi ngút khắp nơi, đi lại hoàn toàn bằng đi bộ. Mùa mưa hầu hết Tháp Mười chìm trong bể nước, phải di chuyển bằng xuồng và trông vào đôi tay chèo chống.
Ở Tổ nhiếp - điện ảnh khu 8 những người chụp ảnh quay phim đều được trang bị các máy già cỗi, cũ kỹ được các cơ sở nội thành mua và gửi ra bưng biền. Cơ sở in tráng đặt trên một chiếc xuồng, đó là những buồng tối di động, để khi cần có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Thuốc in tráng cũng được mua từ Sài Gòn gửi ra. Nước ngọt để in tráng phim rất thiếu, dù giữa Đồng Tháp Mười mênh mông quanh năm ngập nước nhưng đều chua, phèn. Vùng căn cứ thời đó không có điện cũng không có máy phát điện. Ánh sáng để in phim, phóng ảnh dùng ánh sáng trời và đèn Măng-xông (Manchol).
Đạo diễn Hồ Tây nhớ lại, ban đầu dùng cách thả chai nước xuống giếng qua đêm nhưng không đủ độ lạnh, không đạt yêu cầu 18 độ C (tiêu chuẩn bảo đảm phim không chảy, hình ảnh mịn màng). Sau phải nhờ người dân đi lấy nước ngọt, mua đá. Quãng đường đi mua đá và lấy thuốc in tráng được mua từ Sài Gòn gửi ra vô cùng gian lao. Ấy vậy Tổ điện ảnh khu 8 vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không bỏ cuộc. Từ trong mênh mông Đồng Tháp Mười những thước phim đầu tiên về Cách mạng miền Nam đã ra đời.
*"Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang"
Đó là lời bài hát “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” vang danh cả nước của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc bài thơ “Cửu Long Giang” của Nguyễn Bính. Tiểu đoàn 307 là đơn vị chủ lực của Khu 8 thời đó với liên tiếp những trận thắng vang dội làm nức lòng quân dân miền Tây và cả nước. Tổ điện ảnh khu 8 đã bám sát Tiểu đoàn 307 ghi được những chiến công oai hùng của đơn vị này.
Ngày 16 - 18/8/1948, Tiểu đoàn 307 tổ chức trận đánh công đồn, đả viện và vận động chiến ở Mộc Hóa. Tổ điện ảnh khu 8 chia nhau đi cùng các mũi tiến công.
Mai Lộc, Phạm Học theo cánh quân đả viện từ biên giới Campuchia đến Mộc Hóa. Khương Mễ, Đoàn Tý vác máy theo cánh quân công đồn Mộc Hóa. Vũ Sơn và Trần Kính theo đơn vị đánh quân chi viện từ Tân An theo sông Vàm Cỏ Tây lên.
Đây là trận công đồn đả viện đầu tiên và thành công rất lớn của Tiểu đoàn 307, đây cũng là chiến tích lớn của Tổ điện ảnh khu 8 với việc ghi được nhiều cảnh trực tiếp ở những cự ly gần và những đợt tấn công địch trên đồng bưng, bắt tù binh có cả lính Âu phi.
Sau ngày trở về căn cứ để in tráng và dựng, phim “Trận Mộc Hóa” lần đầu tiên được công chiếu vào tháng 12/1948 tại hội nghị quân dân chính Đảng Nam Bộ. Các đại biểu vô cùng ngạc nhiên trước chiến công của điện ảnh khu 8.
Buổi chiếu phim Trận Mộc Hóa đêm 24/12/1948 là sự kiện văn hóa văn nghệ làm xôn xao nhân dân vùng giải phóng và cả khán giả thành phố Sài Gòn có mặt hôm đó. Nhân dân Đồng Tháp Mười đến xem rất đông. Trí thức Sài Gòn phải thốt lên: Giữa Đồng Tháp Mười nước mặn, đồng chua, Việt Minh làm được phim thì không cái gì họ không làm được!
Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư xứ ủy Nam Bộ rất khen ngợi và nói một câu có sức động viên mạnh mẽ: “Nên đem phim đi chiếu rộng rãi cho bộ đội và nhân dân xem”.
Sau 1 tháng đi lùng sục khắp Sài Gòn, trở về với chiếc máy quay phim cũ ciné Kodak box, tổ điện ảnh khu 8 mày mò nghiên cứu cải tạo máy quay phim cũ thành máy in phim. Từ đó sản xuất ra nhiều bản để phân phối cho các đội chiếu bóng, Khu 7, Khu 9, cực Nam Trung Bộ và gửi ra Trung ương, làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào ta. Từ đó về sau các phim đều được in nhiều bản để phổ biến.
Trận La Bang thuộc tỉnh Trà Vinh diễn ra vào cuối năm 1948 là một trận đánh lớn của Tiểu đoàn 307. Như thường lệ, Tiểu đoàn 307 mở trận đánh lớn thì các nhà quay phim điện ảnh khu 8 lại cùng ra trận. Các anh Khương Mễ, Lý Cương, Nguyễn Đảnh vác máy ra chiến trường… Sau đó, những hình ảnh trận La Bang được dựng thành phim chiếu ở khắp nơi đã nâng cao uy tín của Tiểu đoàn 307 và thể hiện sức mạnh của lực lượng kháng chiến miền Tây.
Cứ thế điện ảnh bưng biền lớn mạnh trong kháng chiến với các phim như: Lễ xuất quân Trung đoàn 115 (5/1948), Chiến trận Mộc Hóa (8/1948), Trận La Bang (12/1948), Binh công xưởng Khu 8 (4/1949), Chiến dịch Trà Vinh - Cầu Kè (3/1950), Chiến dịch Bến Tre (5/1950), Hết đời đế quốc (phim truyện ngắn, 10/1952)… Năm 1951, Nam Bộ chia thành 2 phân khu: Miền Đông và Miền Tây. Điện ảnh 3 khu 7,8,9 nhập lại thành Điện ảnh Nam Bộ.
Điện ảnh Nam Bộ trưởng thành lên một bước, quay được phim khoa học đầu tiên của Việt Nam: “Một năm Filatov ở Việt Nam” (12/1952). Các quay phim gồm Khương Mễ, Lý Cương, Hồ Tây. Đây là bộ phim Đạo diễn Hồ Tây ấn tượng nhất trong sự nghiệp của mình.
*Lưu giữ kỷ niệm của đồng đội
Gần tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đạo diễn Hồ Tây được cử đi quay theo các đơn vị chủ lực khắp nơi ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An, An Giang từ tháng 9/1974. Từ Tết năm 1974, ông ở Mỹ Tho tới khi giải phóng Chợ Gạo, giải phóng Mộc Hóa. Sau đó, ông được điều sang quay giải phóng Sa Đéc…
Sau giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào miền Nam khảo sát. Đạo diễn Hồ Tây vinh dự được đi theo Đại tướng. Đi đến đâu người dân cũng vô cùng phấn khởi. Ông đã ghi lại cảm xúc vui sướng của nhân dân được sống trong hòa bình.
Những bộ phim, phóng sự đạo diễn Hồ Tây thực hiện sau giải phóng gồm: Giải phóng miền Tây Nam Bộ - phóng sự dài 40 phút, “Khôi phục sản xuất”. Trở lại miền Bắc, ông làm phim Tháng Năm về viếng Bác - phim này các đài phía Nam lúc bấy giờ đều chiếu…
Nhớ tới những đồng đội đã hy sinh, đạo diễn Hồ Tây không lúc nào thôi da diết về nơi này. Từ dấu ấn không bao giờ nguôi ấy, năm 2011, ông Hồ Văn Tây tự bỏ tiền ra, thêm một phần vận động bạn bè xây Tượng đài kỷ niệm điện ảnh cách mạng - Điện ảnh Khu 8 Nam Bộ (Điện ảnh bưng biền) đặt tại thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An).
Ở tuổi 93, ông vẫn nuôi hy vọng, nếu còn khỏe, ông sẽ lại về Mộc Hóa để xây tượng đài tưởng niệm những chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Đồng Tháp Mười kiên trung.
Trong bài viết “Điện ảnh Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp” của cố Nghệ sĩ Ưu tú Khương Mễ có ghi: “Do yêu thích nghề điện ảnh, nên khi được làm phim, mà làm phim phục vụ Cách mạng giải phóng dân tộc, thì anh em có quyết tâm cao độ, khắc phục mọi trở ngại làm cho bằng được".
Trước bao nhiêu khó khăn về kỹ thuật, bao nhiêu tai họa do địch gây ra, tập thể Điện ảnh khu 8 không ngại khó và với lòng quyết tâm cao đã tạo lập được quy trình sản xuất phim - từ khâu quay phim, quay tít, làm kỹ xảo đến in tráng, dựng phim - trong điều kiện khắc nghiệt của Đồng Tháp Mười không điện, nước phèn, địch ruồng rập bắn phá liên miên.
Chính nhờ có máy in phim tự chế nên điện ảnh Khu 8 đã in được nhiều bản gửi xuống Khu 9, gửi lên Khu 7, Cực Nam Trung Bộ, gửi ra Việt Bắc. Phim góp phần cổ vũ phong trào thanh niên tòng quân giết giặc cứu nước, đặc biệt đối với bộ đội còn góp phần động viên tinh thần hăng say chiến đấu, lập công, củng cố lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Công lao của Điện ảnh Nam Bộ là đã vượt mọi trở ngại xây dựng được một quy trình sản xuất và phổ biến phim ảnh hoàn chỉnh, có tác dụng về sau này khi xây dựng Xưởng phim Giải phóng chống Mỹ”./. (Còn nữa)
Bài 2: Nhiệt huyết của thanh niên quê hương cách mạng