Khoa học

Hải Dương: Tháo gỡ điểm nghẽn chuyển đổi số

Hải Dương

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Hải Dương xếp 14 cả nước với giá trị 0,4843, cao hơn mức trung bình cả nước.

TTXVN - Ngày 27/3, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 3 (lần 4) về một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó xem xét cho ý kiến báo cáo đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, thời gian qua, các cấp, ngành toàn tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, phát triển các dịch vụ chuyển đổi số; qua đó góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham quan, trải nghiệm các gian hàng, sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN).

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Hải Dương xếp 14 cả nước với giá trị 0,4843, cao hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, Hải Dương có thứ hạng cao so với cả nước về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số lần lượt là 22,10,10 và 37. Xếp hạng an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số lần lượt là 13,18 và 18.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương xử lý những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 dự án thành phần: Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh; xây dựng Trung tâm Giám sát an ninh mạng. Đây là điểm nghẽn lớn nhất trong thực hiện Nghị quyết về chuyển đổ số cần tháo gỡ; trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh các bước tiếp theo. Cùng với đó, có sự lồng ghép với việc thực hiện Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương phát huy vai trò quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chủ động tham mưu các nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, giám sát hoạt động về chuyển đổi số, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định nhiệm vụ, công trình, dự án công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu đối với các hệ thống thông tin của tỉnh, đảm bảo khả năng thích ứng, chủ động và linh hoạt, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng. Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương sẵn sàng có các biện pháp khi có sự cố xảy ra; đẩy mạnh hoạt động với các tập đoàn, doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với tỉnh, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và tổ công nghệ số cộng đồng.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, triển khai nghị quyết và nâng cao về chuyển đổi số cho công chức, viên chức. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính quản lý tốt nguồn vốn ngân sách nhà nước; thực hiện kiểm tra hướng dẫn, giám sát việc quản lý vốn tại các dự án.

Theo báo cáo, về hạ tầng số, đến nay 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, xã đã xây dựng mạng nội bộ kết nối các phòng, ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Tất cả các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ giải pháp họp trực tuyến đảm bảo nhu cầu họp trong tỉnh và các cuộc họp của Chính phủ với địa phương. Hạ tầng bưu chính, viễn thông chuyển dịch sang hạ tầng đô thị thông minh được tập trung phát triển.

Hải Dương đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương, liên thông đồng bộ qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung của tỉnh; kết nối liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển chính quyền số, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã cấp trên 8.000 tài khoản thư điện tử công vụ cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2022, có 5.600 chứng thư số được cấp cho các tổ chức, cá nhân cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 79,9%, cấp huyện đạt 24%, cấp xã đạt 48,7%.

Phát triển kinh tế số ở Hải Dương đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp. Thị trường thương mại điện tử được triển khai hiệu quả. Đến nay, trên 128.500 hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hoạt động, đưa được gần 1.100 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR-code. Toàn tỉnh đã xây dựng và cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Tỷ lệ doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử chiếm 99%.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển xã hội số, Hải Dương đã thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng cấp huyện; 235 xã, phường, thị trấn đã thành lập 1.340 tổ công nghệ số cộng đồng…/.

Mạnh Minh

Xem thêm