Quá trình trồng lại, chính quyền địa phương đã thuê một đơn vị chăm sóc cây xanh cắt tỉa cành lá; đào, đắp thêm đất; xây lại tường bao xung quanh…
Đến chiều 4/6, cây bồ đề có tuổi đời hơn 300 năm tại xóm 5, thôn Hải Ninh, xã Kim Tân, huyện Kim Thành (Hải Dương) đã được trồng lại sau khi bị bật gốc do dông lốc vào ngày 3/6. Đây là cây đầu tiên của huyện Kim Thành được Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) công nhận là cây di sản vào tháng 9/2022. Quá trình trồng lại, chính quyền địa phương đã thuê một đơn vị chăm sóc cây xanh cắt tỉa cành lá; đào, đắp thêm đất; xây lại tường bao xung quanh…
Trước đó, cây vẫn phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh; có chu vi thân tại độ cao cách mặt đất 1,3 m là 6,50 m, đường kính 2 m... Chiều cao của cây khoảng 20 - 25 m, tán cây hình mâm xôi, xòe rộng khoảng 250m2...
Theo thông tin từ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh có 69 cây di sản được công nhận; các cây đều có tuổi đời trên 200 năm.
Một số cây đã được công nhận như: Cây đa xóm Giữa, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, có tuổi đời hơn 300 năm; gồm 1 thân chính và 12 thân phụ, có chiều cao 35 m; tán cây tỏa rộng khoảng 550m2, hình mâm xôi. Cây đa cổ thụ ở thôn Đồng Xá Bắc và cây gạo cổ thụ ở thôn Phí Gia (đều ở xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành); 2 cây đều có tuổi đời gần 200 năm, chiều cao khoảng 30-35m, dáng cây thẳng đứng, tán phủ rộng và đang xanh tốt. Cây bồ đề tại xóm 3, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, có tuổi đời hơn 200 năm. Cây muồng ràng ràng tại thôn Phú Khê, xã Thái Học, huyện Bình Giang, có tuổi đời hơn 300 năm. Cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà…
Việc công nhận, bảo vệ, chăm sóc các cây di sản nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, đa dạng hệ sinh thái cây trồng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay./.