Thực thi chính sách

Hải Phòng: Động lực phát triển của cả nước

Hải Phòng

Với truyền thống lịch sử đầy tự hào, cùng những kết quả và mục tiêu đã đạt được là tiền đề, động lực quan trọng để Hải Phòng phấn đấu đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước.

Phối cảnh Trung tâm Hội nghị biểu diễn thành phố Hải Phòng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Không phải ngẫu nhiên Hải Phòng còn mang tên "Thành phố tháng Năm"; bởi đúng ngày 13/5/1955, cả rừng cờ đỏ, sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời thành phố, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Hải Phòng được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Cũng trong tháng đặc biệt này, nhân dân thành phố lại bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, như thấy Bác vẫn luôn dõi theo sự phát triển của dân tộc, của thành phố Cảng.

* Phên dậu phía Đông

Hiếm có địa phương nào vinh dự 9 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm như Hải Phòng. Những lời căn dặn của Người đã trở thành di sản tinh thần quý giá, là ánh sáng soi đường cho quá trình đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ thành phố, là nguồn động viên to lớn để địa phương tiếp tục vững bước phát triển.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, nhìn lại lịch sử, Hải Phòng là nơi "đầu sóng ngọn gió", là "phên dậu phía Đông" bảo vệ Tổ quốc. Thành phố luôn tự hào về truyền thống "trung dũng, quyết thắng". Điều này được minh chứng từ khi nữ tướng Lê Chân khai hoang lập trang An Biên (nay là Hải Phòng), đến khi cha ông ta có nhiều chiến công hiển hách và oanh liệt để giành độc lập cho dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Những năm đầu của thế kỷ 20, thành phố là chiếc nôi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn là "điểm cầu” để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin về nước. Trong những năm kháng chiến cứu nước, Hải Phòng tiếp tục là địa phương "đi trước, về sau", vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương.

Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Hải Phòng có nhiều đột phá, gợi mở và góp phần với Trung ương ban hành Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 về "khoán trong nông nghiệp". Những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và xung đột ở châu Âu nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố vẫn ở mức cao. Bình quân 7 năm liền, Hải Phòng có GRDP đạt 13,2 %/năm. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, GRDP gấp 3 lần bình quân chung cả nước.

Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm, Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng để mở rộng không gian kinh tế; mở rộng đô thị hướng biển và di chuyển trung tâm chính trị - hành chính về phía Bắc sông Cấm vào năm 2025. Thành phố là địa phương đi đầu trong việc giải quyết chung cư cũ và phấn đấu đi đầu về phát triển nhà ở xã hội; tích cực xây dựng xã và huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các tiêu chí tiếp cận với đô thị sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các năm gần đây của thành phố luôn được xếp trong tốp đầu của cả nước. Công tác chuyển đổi số được quan tâm đặc biệt. Hải Phòng tiếp tục đi đầu trong chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ người nghèo, miễn học phí cho học sinh các bậc học và có nhiều hỗ trợ khác thiết thực cho nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được tăng cường. Quốc phòng và an ninh trật tự được bảo đảm. Khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.

Ông Lê Mạnh Thường (công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) tâm sự, ông là người con xứ Nghệ đã làm rể Hải Phòng hơn 20 năm nay. Trong thâm tâm, ông luôn trân trọng, biết ơn thành phố Cảng. Mảnh đất này đã cưu mang và cho ông cuộc sống, sự sáng tạo trong công việc cùng một gia đình nhỏ. Ông đã chọn Hải Phòng làm quê hương thứ hai và gắn bó với mảnh đất này, hòa cùng nhịp sống, văn hóa nơi đây. "Quãng thời gian hơn 20 năm ấy đã đủ cho tôi cảm nhận được sự đổi thay đến ngỡ ngàng về diện mạo cũng như các mặt kinh tế, văn hóa của thành phố, nhất là những năm gần đây. Tôi rất tự hào mình là một công dân của thành phố Cảng năng động, phát triển nhưng cũng ăm ắp tình người".

* Động lực phát triển của cả nước

Với truyền thống lịch sử đầy tự hào, cùng những kết quả và mục tiêu đã đạt được là tiền đề, động lực quan trọng để Hải Phòng phấn đấu đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước.

Ngày 30/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Mục tiêu của Quy hoạch chung là xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không, đường thủy nội địa; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng- kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Xuân Cầu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Xuân Cầu ngày 13/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại hai lần đến thăm, làm việc với Hải Phòng trong thời gian ngắn; vui mừng nhận thấy những vấn đề Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ đã được triển khai hiệu quả. Điều đó chứng minh nguyên lý “đã đi phải đến, đã làm phải xong, đã giải quyết phải được việc; khó khăn ở đâu, tập trung giải quyết ở đó, trên tinh thần đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả thực tế”.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương Hải Phòng và Công ty Xuân Cầu đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Xuân Cầu. Đây là dự án đầu tư theo hướng xanh, số, thông minh; là mô hình lãnh đạo công, quản trị tư. Thành phố đã có bước đi đúng hướng, cần nhân rộng.

Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Xuân Cầu là một trong chuỗi sự kiện được thành phố khởi công đúng dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Dự án có tổng diện tích 752 ha, nằm liền kề phía sau cảng quốc tế Lạch Huyện, kết nối giao thông đường bộ và đường thủy nội địa đi các tỉnh rất thuận lợi; là nơi lý tưởng cho hoạt động về dịch vụ logistics. Vì vậy, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm logistics mang tầm quốc gia và quốc tế. Công ty Cổ phần đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện là nhà đầu tư của dự án. Dự kiến dự án hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025; giai đoạn 2 vào năm 2030 và giai đoạn 3 vào năm 2033; sau khi đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 40.000 - 50.000 lao động. Đây cũng là một trong những dự án nằm trong chiến lược hiện thực hóa điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050...

Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.100 ha, bao gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài Khu Kinh tế. Lũy kế đến nay, thành phố đã thu hút 477 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 23 tỷ USD. Các nhà đầu tư trong nước đã đầu tư 205 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 300.000 tỷ đồng (tương đương với 13 tỷ USD) và thu hút gần 200.000 lao động trực tiếp.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Xuân Cầu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, cảng biển và các ngành công nghiệp của Hải Phòng được hình thành, phát triển rất sớm, cách đây trên 100 năm; có nhiều ngành công nghiệp đã nối tiếng cả Vùng Đông Dương, đó là sản xuất xi măng, đóng tầu và cơ khí chế tạo. Hiện nay, Hải Phòng được Trung ương xác định là trung tâm công nghiệp và dịch vụ logistics của cả nước, cửa ngõ ra thế giới của các tỉnh phía Bắc.

Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giao trách nhiệm cho thành phố đến năm 2025 cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, Hải Phòng phải bứt phá để tương xứng với sự quan tâm, đầu tư và vị trí, vai trò của cả Vùng và đất nước; để thực hiện lời căn dặn của Bác trong 9 lần đến thăm, đáp lại lòng mong đợi của Người.../.

PV

Xem thêm