Chỉ đạo, Điều hành

Hải Phòng: Tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Hải Phòng

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ, tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo ba trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.

Thành phố Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

TTXVN - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2023.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ, tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo ba trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thực hiện Chủ đề năm 2023 của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số". Đồng thời, đầu tư nguồn lực, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học - công nghệ, thực hiện chính sách an sinh xã hội tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đơn vị đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Các địa phương củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực để tạo niềm tin, đồng thuận trong toàn xã hội.

Chỉ thị đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm là cụ thể các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực theo Nghị quyết, Chương trình hành động; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu; thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch tập trung vào công nghiệp điện gió ngoài khơi, điện rác. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục thành lập 4 Khu công nghiệp mới; quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, bất động sản thuộc sở hữu Nhà nước; tiếp tục rà soát tất cả các nguồn thu, khai thác thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng thuế, thu từ hộ cá nhân kinh doanh… Địa phương hoàn thành và triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt; nâng cao chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); hình thành Trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng số, dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số; xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC).

Các địa phương, đơn vị phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy nhanh thực hiện sắp xếp bộ máy; tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nỗ lực đưa Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới...

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền truyền nâng cao hiệu quả và sự đồng thuận của người dân, tập trung công tác truyền thông chính sách, chủ trương, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền và dẫn dắt, định hướng các mô hình hay, gương người tốt việc tốt, cách làm mới và hiệu quả; kịp thời phản bác, chấn chỉnh, đấu tranh với các luận điệu sai trái; triệt phá, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, không đúng sự thật; từng bước tạo văn hóa số trên mạng...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu, trước ngày 15/2/2023, các sở, ngành, đơn vị và địa phương xây dựng, ban hành và chủ động triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố về kết quả thực hiện của các sở, ngành, đơn vị. 

Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là năm Hải Phòng đã có sự nỗ lực cố gắng rất lớn, đạt được những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Hải Phòng là một trong những địa phương đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, kinh tế của thành phố trong năm vừa qua tiếp tục tăng trưởng, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 12% so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, Hải Phòng thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đang đứng vị trí thứ ba về thu ngân sách của cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân ngày một tốt hơn./.

Đoàn Minh Huệ

Tin liên quan

Xem thêm