Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các vị Trưởng Gánh, các chức sắc, chức việc và toàn thể người theo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã đóng góp trên 24 tỷ đồng (tiền và hiện vật) cho công tác từ thiện xã hội, chăm lo người nghèo, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học sinh, giúp người bệnh khó khăn, cứu trợ thiên tai.
Trong 2 ngày 13 - 14/7, tại chùa Tam Bửu - Phi Lai (xã Ba Chúc, tỉnh An Giang), Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức Đại hội đại biểu Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cấp toàn đạo lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025- 2030.
Dự Ðại hội có đại diện Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), Bộ Công an; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các tôn giáo bạn, cùng hơn 300 đại biểu đại diện cho khoảng 80.000 người theo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở các địa phương trong cả nước.
Ðại hội đã suy cử 15 người vào Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhiệm kỳ IV (2025-2030); ông Nguyễn Ngọc Trác tiếp tục được Đại hội tín nhiệm, suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhiệm kỳ IV (2025-2030).
Nhiệm kỳ IV (2025-2030), với tôn chỉ hành đạo “Tu nhân - Học phật” và đường hướng hành đạo “Hành tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cùng người theo đạo tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các hoạt động từ thiện tại địa phương, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho công cuộc đổi mới đất nước.
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các vị Trưởng Gánh, các chức sắc, chức việc và toàn thể tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thời gian qua đối với sự phát triển của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ cho rằng, trải qua gần 160 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng dân tộc, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và toàn thể người theo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ngoài việc hành đạo theo tôn chỉ “Tu nhân, học phật”, đường hướng hành đạo “Hành Tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc” và giáo lý chơn truyền của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, còn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các công tác từ thiện - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các vị Trưởng Gánh, các chức sắc, chức việc và toàn thể người theo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã đóng góp trên 24 tỷ đồng (tiền và hiện vật) cho công tác từ thiện xã hội, chăm lo người nghèo, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học sinh, giúp người bệnh khó khăn, cứu trợ thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một trong ba tôn giáo nội sinh của tỉnh, có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, không chỉ riêng ở tỉnh An Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn lan tỏa rộng khắp trong cả nước.
Trong bối cảnh mới, với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, tỉnh An Giang mới không chỉ rộng lớn về địa lý, giàu có về văn hóa, phong phú về tín ngưỡng, cùng sự đan xen giao thoa của nhiều tôn giáo dân tộc, trong đó có đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - một dòng mạch tâm linh bền bỉ xuyên suốt gần 160 năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ mong muốn và tin tưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các vị Trưởng Gánh, chức sắc, chức việc và toàn thể người theo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa sẽ tiếp tục sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng với các tôn giáo tại tỉnh đoàn kết, gắn bó, chung tay với các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trung Hồ khẳng định, tỉnh An Giang cam kết tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện để giáo hội hoạt động đúng pháp luật, đúng giáo lý, đúng đạo tâm, để ngọn đèn đạo pháp luôn sáng giữa lòng dân, để mỗi tín đồ không chỉ là người đạo hạnh mà còn là công dân gương mẫu góp phần xây dựng phát triển quê hương đất nước.
Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi sáng lập vào ngày 5/5 năm Đinh Mão (1867). Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Đức Bổn sư Ngô Lợi đã chọn khu vực núi Tượng, nay là Chùa Tam Bửu – Phi Lai (khóm An Định A, xã Ba Chúc, tỉnh An Giang) làm nơi hoằng khai đạo pháp. Hiện có gần 80.000 người theo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, sinh sống tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước; riêng tại An Giang có trên 36.000 người./.
- Từ khóa:
- đại đoàn kết dân tộc
- An Giang