Tất cả cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền người thân được tỉnh Hậu Giang yêu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.
TTXVN - Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tỉnh Hậu Giang yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.
Năm 2023, Hậu Giang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử để phục vụ 5 nhóm tiện ích là: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Thời gian tới, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện Đề án 06; bảo đảm công tác chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an. Địa phương quán triệt tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án 06 nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh nhất những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nhân lực...
Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân tham gia đăng ký định danh điện tử thông qua cấp Căn cước công dân và đẩy mạnh phát triển công dân số, tăng cường ứng dụng dữ liệu dân cư, Căn cước công dân, định danh và xác thực diện tử, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng VNEID và đa dạng hóa các tiện ích để người dân sử dụng.
Lực lượng Công an tiếp tục thực hiện rà soát số nhân khẩu chưa được cấp Căn cước công dân trên địa bàn, tiếp tục "đitừng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; nghiên cứu đổi mới phương thức tuyên truyền về định danh điện tử để người dân hiểu rõ,chủ động làm thủ tục cấp Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử.
Đến tháng 12/2022, Công an tỉnh Hậu Giang đã thu nhận được hơn 740.000 hồ sơ cấp Căn cước công dân (còn lại hơn 52.000 trường hợp chưa được thu nhận); nhận hơn 685.000 thẻ Căn cước công dân và trả hơn 681.000 thẻ cho công dân sử dụng (còn lại hơn 3.800 thẻ chưa trả do người dân đi làm ăn xa chưa về nhận); thu nhận hơn 145.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đạt 17,8% chỉ tiêu Bộ Công an giao.
Hiện toàn tỉnh đã công khai 1.868 dịch vụ công (trong đó có 1.344 dịch vụ công mức 4; 139 dịch vụ công mức 3; 385 dịch vụ công mức 2 trên cổng dịch vụ công tỉnh); đăng ký thành công 1.047 dịch vụ công mức 3 và 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 46.895 hồ sơ trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu.../.