Giáo dục

Hiến kế phát triển giáo dục Cần Thơ

Cần Thơ

Thành phố xác định “huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh vị thế trung tâm vùng về giáo dục đào tạo”. Ưu tiên huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo chất lượng cao, giáo dục mũi nhọn.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

TTXVN - Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đầu tư phát triển Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức ngày 8/5, các nhà khoa học, nhà giáo, các ngành liên quan đã góp ý nhiều giải pháp, hiến kế phát triển giáo dục thành phố.

Nhiều bước tiến, nhưng cũng nhiều thách thức

Tổng quan về ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ giai đoạn hiện nay, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết: Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của thành phố cơ bản đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Giai đoạn 2015 - 2020, mạng lưới trường, lớp của Cần Thơ không ngừng được củng cố và mở rộng theo hướng chuẩn hóa, chất lượng, quy mô học sinh ngày một nâng lên. Tính đến cuối năm 2020, có 362/459 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 174 trường so với năm 2015, đạt 78,78%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phát triển mạnh (90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 5 trường đại học, 2 cơ sở đại học) và được mở rộng đa ngành nghề, đa lĩnh vực.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết thêm: 10 năm qua, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học Cơ sở; triển khai thành công mô hình “Trường điển hình đổi mới” (giai đoạn 2017-2020), làm cơ sở triển khai rộng ra quy mô cả nước; bảo đảm các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình STEM trong giáo dục…

Tuy vậy, ngành Giáo dục Cần Thơ vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội để từng bước tháo gỡ. Đó là những vướng mắc như: Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ; thiếu giáo viên ở những môn đặc thù như âm nhạc, Tin học; các môn tích hợp. Cơ sở vật chất ở một số điểm trường đã xuống cấp, không đủ diện tích lớp học, nhất là phục vụ giáo dục thực hành. Số lượng học sinh tăng cơ học do di chuyển dân cư khiến hệ thống trường học quá tải,... Hạ tầng công nghệ thông tin còn kém, chưa đồng bộ, đặc biệt ở những điểm trường vùng sâu vùng xa, …

Cần giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách

Dụng cụ học tập được thầy cô sáng tạo từ phế liệu. (Ảnh: Ánh Tuyết/ TTXVN)

Là đầu tàu của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành Giáo dục thành phố Cần Thơ phấn đấu phát triển giáo dục xứng tầm một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi từ bậc nhà trẻ, mẫu giáo đến Trung học Cơ sở đạt trên 95%; ít nhất 90% học sinh THCS học lên THPT, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85%. Thành phố xác định “huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh vị thế trung tâm vùng về giáo dục đào tạo”. Ngày càng nhiều các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo chất lượng cao, giáo dục mũi nhọn.

Đồng thời, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng và quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng thiết yếu cho xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo.

Đề xuất giải pháp cho phát triển giáo dục Cần Thơ, đa số đại biểu đề nghị cần có đủ chỉ tiêu, bảo đảm đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở các cấp học, đặc biệt cho vùng sâu vùng xa. Điều này chỉ hiện thực hóa được thông qua việc ngành Nội vụ cấp chỉ tiêu phù hợp, ngành Giáo dục tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh mạng lưới trường học, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị dạy học hiện đại; tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và các trường đại học khác.

Cần Thơ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, đào tạo phát triển tài năng sau đại học ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, phục vụ nhu cầ phát triển của thành phố.

Cần Thơ cũng sẽ quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống trường Trung học Phổ thông, trường chuyên; hướng đến xây dựng mô hình trường tư thục chất lượng cao ở mọi bậc học. Về chuyển đổi số trong giáo dục, thành phố triển khai các chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội về công nghệ thông tin trong và ngoài nước tham gia./.

Ánh Tuyết

Xem thêm