Gần 500 thí sinh dự thi Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc lần thứ 33 khu vực phía Nam
Cuộc thi lần thứ 33 thu hút sinh viên của 36 cơ sở giáo dục cả nước tham gia với hơn 1.200 lượt thí sinh dự thi tại ba khu vực Bắc – Trung – Nam.
TTXVN - Ngày 7/5, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long diễn ra lễ khai mạc Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33 năm 2023, khu vực phía Nam với sự tham dự của 495 thí sinh đến từ 17 trường đại học. Các thí sinh tranh tài ở 7 môn thi truyền thống theo hình thức tự luận và 5 môn ứng dụng tin học trong cơ học.
Tại lễ khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Lộc, Ủy viên Trường trực Hội Cơ học Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức cho biết, cuộc thi do Hội Cơ học Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 1989. Cuộc thi lần thứ 33 thu hút sinh viên của 36 cơ sở giáo dục cả nước tham gia với hơn 1.200 lượt thí sinh dự thi tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.
Cuộc thi Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc đã tạo môi trường hứng khởi, đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu các môn cơ học của sinh viên các trường đại học, học viện.
Qua 33 lần tổ chức, cuộc thi trở thành sân chơi chuyên ngành mang tính ứng dụng cao, giúp sinh viên có cọ xát, kiểm tra kiến thức, năng lực bản thân, đồng thời mang đến cho giảng viên môi trường giao lưu, trao đổi trong học thuật và nghiên cứu khoa học.
Cuộc thi còn là dịp để các trường phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, ứng dụng nhanh khoa học vào thực tiễn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngay sau lễ khai mạc, các thí sinh đã bước vào dự thi phần thi lý thuyết; buổi chiều các thí sinh dự thi thực hành.
Dịp này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Các vấn đề rung động, đồng trục và cân bằng động trong kỹ thuật”.
Thông qua hội thảo, các đại biểu đánh giá thực trạng nghiên cứu về dao động, cân bằng ổn định, ồn rung trong kỹ thuật, mô hình nghiên cứu và thiết bị thí nghiệm tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu. Từ đó, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp giải quyết các vấn đề rung động, đồng trục và cân bằng trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển các mô hình, phương pháp giảng dạy hiệu quả môn cơ học cho sinh viên./.