Mục tiêu của Dự án là đến năm 2022 có 1.500 phụ nữ được trang bị kiến thức cơ bản về thích nghi với biến đổi khí hậu, có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
(TTXVN) Ngày 8/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang phối hợp với Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam (NMA) tổ chức tổng kết Dự án "Phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2018 - 2023".
Bà Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết, Dự án nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh doanh và thúc đẩy bình đẳng giới trong sinh hoạt câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; xây dựng dựa trên nhu cầu của hội viên về tạo việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm bất bình đẳng và bạo hành trên cơ sở giới. Qua đó, thiết thực đóng góp vào thực hiện thành công Đề án 938/CP về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2023" và Đề án 939/CP "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2023" trên địa bàn.
Mục tiêu của Dự án là đến năm 2022 có 1.500 phụ nữ được trang bị kiến thức cơ bản về thích nghi với biến đổi khí hậu, có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nguồn, kỹ năng quản lý kinh doanh, khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Dự án phấn đấu có 2.000 hộ gia đình được trang bị kiến thức bình đẳng giới, giảm tình hình lạm dụng rượu bia và bạo lực gia đình, nâng cao kỹ năng giao tiếp trong gia đình…
Theo bà Đặng Thị Ngọc Điệp, 5 năm qua, trên 565.000 lượt hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp, đạt gần 90% chỉ tiêu đề ra; 400 lượt phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp được hỗ trợ, đạt 200% chỉ tiêu; 180 doanh nghiệp của phụ nữ thành lập mới, đạt 90% chỉ tiêu; 1.633 hội viên được hỗ trợ trên 29 tỷ đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh doanh, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, nâng cao thu nhập giúp khẳng định vai trò trong gia đình, xã hội... Qua đó, các cấp Hội duy trì và nâng cao chất lượng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ gia đình hạnh phúc sử dụng công cụ GALS (Gender Action Learning System - Hệ thống Học tập và Hành động về Giới); đa dạng hóa hoạt động và đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" vào chiều sâu, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, ấm no, bình đẳng, tiến bộ.
Ban Quản lý dự án đã tổ chức được 743 cuộc tuyên truyền về phụ nữ khởi nghiệp thu hút trên 26.000 lượt người; cấp 15.000 tờ bướm liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; đào tạo 13 giảng viên nguồn về kỹ năng quản lý kinh doanh, khởi sự kinh doanh; mở 40 lớp kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản và 18 lớp khởi sự kinh doanh thu hút gần 1.200 lượt học viên.
Sau tập huấn, các hội viên đã ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ các phụ nữ trong xóm, ấp cùng phát triển bền vững. Điển hình như: chị Võ Thị Hậu (xã Mỹ Hội, Cái Bè) mở cơ sở may túi xách, thu nhập tăng thêm từ 35 - 40 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho trên 70 lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng...
Thông qua hỗ trợ của tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông tại cộng đồng về bình đẳng giới, hướng dẫn sử dụng công cụ GALS (Gender Action Learning System - Hệ thống Học tập và Hành động về Giới) trong sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc cho các cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp. Hội đã chọn huyện Tân Phước để triển khai thí điểm mô hình sử dụng công cụ GALS trong sinh hoạt tại 4 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, thu hút 122 người tham gia. Hiện mô hình đã mở rộng ra 173 câu lạc ở khắp các cơ sở trong toàn tỉnh./.
- Từ khóa:
- bình đẳng giới