Xã hội

Hòa Bình: Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Hòa Bình

Đến nay, các dự án Đường Liên kết Vùng Hòa Bình-Hà Nội và Cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu) đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và chuyển đổi sử dụng đất lúa, đất rừng.

Thiết bị cơ giới tại Lễ Khởi công xây dựng công trình Đường Liên kết Vùng Hoà Bình-Hà Nội và Cao tốc Sơn La đoạn Hoà Bình-Mộc Châu, hồi tháng 2/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Ngày 19/9, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình Nguyễn Phi Long chủ trì Hội nghị chuyên đề Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh nhằm bàn giải pháp khó khăn dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu).

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, các thành viên ban chỉ đạo, sở ngành, địa phương liên quan cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện dự án.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn về giải phóng bằng, tái định cư, thực hiện thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Hòa Bình là 1.620 tỷ đồng. Quy mô đầu tư được chia làm 2 đoạn tuyến (Đoạn Km0 - Km32 từ thành phố Hòa Bình đến huyện Kim Bôi và đoạn Km0 - 19 từ TP Hòa Bình đến huyện Đà Bắc), chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (Km0 - Km32 từ huyện Kim Bôi đến nút giao với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình) đã khởi công từ ngày 26/2/2023. Giai đoạn 2 (Km0 - Km19) đang thực hiện các bước để trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, huyện Kim Bôi (đoạn từ Km0 đến Km16+300) có tổng diện tích ảnh hưởng khoảng 83 ha, đã kiểm đếm 848/848 hộ gia đình, cá nhân, đang thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn đang triển khai kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường, triển khai các thủ tục xây dựng tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án đã được HĐND tỉnh Hòa Bình cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch 3 loại rừng; hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện thủ tục và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo quy định.

Nhà thầu đã tổ chức thi công đạt 87,88/1666 tỷ đồng, đạt 5,2% giá trị hợp đồng. Cùng đó, nhà thầu đang tổ chức thi công tại 6 vụ trí cầu và 2 vị trí hầm chui, đạt giá trị thực hiện lũy kế 87,88/174 tỷ (50%).

Đến nay, kế hoạch vốn được giao trên 1025,3 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 là 594,685 tỷ đồng, đã giải ngân được 510/1.025,3 tỷ đồng (đã giải ngân: 95,8/594,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023).

Tại hội nghị, thành viên Ban chỉ đạo cùng đại diện lãnh đạo các địa phương nêu những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Ông Nguyễn Phi Long Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình chủ trì hội nghị. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình nêu rõ, các dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và chuyển đổi sử dụng đất lúa, đất rừng; trong đó, một số địa phương chưa tập trung cao độ cho bồi thường hỗ trợ và tái định cư.

Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và xác định loại đất còn gặp nhiều khó khăn mất nhiều thời gian do một số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã được cấp nhưng sau khi đo đạc lại chưa được cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

Cùng đó, di dời phần mộ liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tâm linh nên cần chính quyền địa phương phải tích cực tuyên truyền vận động. Việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng lúa và rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nên mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

UBND các huyện huyện Kim Bôi, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, nghiên cứu phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư ra thông báo thu hồi đất ở, đất vườn; tiến hành kiểm kê, đo đạc lập dự toán trình thẩm định và phê duyệt để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công trước 30/10/2023.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất nhằm chỉ đạo đẩy nhanh tiến tiến độ thực hiện dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, hoàn thành các thủ tục chuyển đổi đổi đất rừng, đất lúa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến đối với việc tiếp tục triển khai đoạn tuyến từ Km0 - Km19 thuộc dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) đi trùng với quy hoạch đường cao tốc theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai, quy hoạch; tuyên truyền vận động để người dân ủng hộ chủ trương dự án, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân dự án./.

PV

Xem thêm