Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
TTXVN - Ngày 19/9, Kỳ họp thứ 11 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố theo quy định của Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Nghị quyết HĐND Thành phố chỉ rõ: Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm Thành phố còn có một số chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mà trước đó được quy định cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương Thành phố.
Sở An toàn thực phẩm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND Thành phố; đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Sở An toàn thực phẩm được thành lập trên cơ sở mô hình thí điểm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, UBND Thành phố đã dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt thời gian hoạt động của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày Sở An toàn thực phẩm Thành phố được thành lập theo Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Cũng tại Kỳ họp, trên cơ sở quy định của Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua một số nghị quyết liên quan đến lĩnh vực pháp chế về: Cơ cấu, tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; thông qua Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn…./.