Xã hội

Hòa giải ở cơ sở giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật

Tiền Giang

Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội.

Tổ hòa giải thôn Đông Sơn xã Đông Xá huyện Vân Đồn thống nhất phương án hòa giải trước khi đến nhà dân. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

TTXVN - Theo bà Đặng Thị Phụng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, qua 10 năm (2013 - 2023) triển khai Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó có sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp.

Các tổ hòa giải được thành lập bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động... Hầu hết hòa giải viên đều là những người am hiểu về pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng vận động, thuyết phục, nhiệt tình, tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, địa phương hiện có 1.063 tổ hòa giải với 6.740 hòa giải viên. Theo thống kê, tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,67%; năm 2022 đạt 92,33% và những tháng đầu năm 2023 đạt 94,11%.

Thực tế cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngoài ra, công tác hòa giải ở cơ sở còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với nhân dân tại cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức tự giác chấp hành đúng các quy định pháp luật của người dân.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời phát hiện những mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của hội viên để có hình thức hòa giải phù hợp. Năm 2022, Hội Nông dân các cấp đã tham gia hòa giải thành được 412/828 vụ, góp phần đảm bảo trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế tối đa việc khiếu nại vượt cấp; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ được tình làng, nghĩa xóm.

Huyện Cai Lậy hiện có 128 tổ hòa giải với 888 hòa giải viên được bố trí đều khắp các ấp; hoạt động đúng quy chế. Hòa giải viên là những người uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng vận động, thuyết phục, được bầu chọn công khai, dân chủ. Năm 2022, các tổ hòa giải tiếp nhận 228 đơn, tiến hành hòa giải 100% vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 86,84%. Công tác hòa giải được thực hiện hiệu quả giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ vững an ninh trật tự địa phương.

Ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, để nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, Tiền Giang tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên trong hoạt động này. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt đối với người dân về vị trí, vai trò cùng ý nghĩa quan trọng của công tác này.

Các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm phổ biến pháp luật đến cán bộ, đảng viên, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; đồng thời, phát huy vai trò các cấp, ngành, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở trên tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương… Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, xây dựng ý thức "sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" trong mỗi công dân. Các địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ./,


Hữu Chí

Tin liên quan

Xem thêm