Sức khỏe

Cần quan tâm, phát hiện sớm rối loạn học tập ở trẻ

Việc chữa khỏi rối loạn học tập là không thể, tuy nhiên, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp thuyên giảm bệnh và bù đắp các hoạt động chăm sóc khác để trẻ có thể cân bằng trong cuộc sống.

TTXVN- Trẻ gặp khó khăn trong đọc, viết, tính toán, lúng túng khi diễn đạt, kết quả học tập kém... kéo dài hơn 6 tháng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn học tập. Phát hiện, điều trị sớm là cách tốt nhất giúp trẻ có thể tham gia quá trình học tập, cân bằng cuộc sống.

* Cần phát hiện sớm rối loạn học tập

Bệnh nhân nam, 14 tuổi, là con đầu trong gia đình, có tiền sử khỏe mạnh. Bé có thể nói được các nguyên âm khi 6 tháng tuổi, biết gọi "ba, ma" khi 9 tháng, bập bẹ lúc 1 tuổi, nói được các câu ngắn 2-3 từ khi 3 tuổi. Đến 4 tuổi, bé vẫn chỉ nói được các câu ngắn, khó khăn trong việc mô tả một bức tranh hoặc kể câu chuyện một cách liền mạch, không thuộc lời những bài hát hoặc bài thơ đơn giản như những bạn cùng lứa tuổi. Bé khó thực hiện những động tác yêu cầu sự khéo léo của bàn tay, như: lắp lego, đóng cúc.

Khi học cấp 1, trong quá trình học tập, bé tiếp thu được các kiến thức, có thể ghi nhớ các kiến thức được dạy và áp dụng các công thức toán học bình thường. Lớp 1-2, bé có khó khăn trong học môn tiếng Việt; khó hiểu về nội dung của câu chữ, khó khăn khi chép chính tả, chép sai từ trong sách in ra vở. Lên cấp 2, em học yếu dần. Vốn từ được cải thiện tuy nhiên, em vẫn phải dùng ngôn ngữ cơ thể để hỗ trợ khi mô tả một câu chuyện hoặc sự việc; không biết và phải sử dụng những từ ngữ đơn giản và khó khăn mô tả diễn đạt thay vì dùng những từ láy phức tạp như "loanh quanh", "lắt léo".

Khi lên lớp 9, em chuyển lên học ở trường mới. Em bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện. Em ít giao tiếp với mọi người xung quanh hơn, biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung; dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, có các hành vi như xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp . Em khó tập trung khi đọc sách, hay quên, cảm giác căng thẳng khi phải tập trung, học lực giảm sút nhiều.

Khi đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), em được chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên - Rối loạn học tập. Bệnh nhân được điều trị nội trú bằng liệu pháp can thiệp tâm lý, hóa dược. Sau 10 ngày các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt buồn chán thuyên giảm. Em được xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý và cần hỗ trợ của các nhà giáo dục.

Đây là một trong những trường hợp mắc chứng rối loạn học tập được chẩn đoán và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia. Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi - Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém, trong đó người bệnh có thể bị rối loạn đọc (dyslexia): khó khăn trong việc đọc, đánh vần, nói và nghe; rối loạn viết (dysgraphia): khó khăn trong việc viết; rối loạn tính toán(dyscalculia): khó khăn trong lĩnh vực lý luận toán học và tính toán.

Trong đó, phổ biến nhất là rối loạn đọc, với khoảng 10-36% trẻ tuổi đi học, chiếm từ 3-12% dân số, thường ở trẻ trai. Rối loạn tính toán ít được nghiên cứu hơn, xảy ra ở 5-8% trẻ. Tỷ lệ nam tương đương với nữ. Biểu hiện cụ thể là: trẻ nhỏ thường khó khăn về các khái niệm số cơ bản, trẻ lớn hơn có khó khăn trong hiểu các thuật toán. 53% trẻ em bị khuyết tật đọc bị khuyết tật toán học, trong khi 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc. Hệ số di truyền ước tính của khả năng học tập ở 73% cho việc đọc các từ, 49% cho đọc hiểu, 44% cho viết chính tả, 57 % cho toán học.

Thông thường rối loạn học tập ảnh hưởng đến kết quả học tập, cũng như chức năng học tập của trẻ. Cần phân biệt rối loạn học tập với các rối loạn khác. Trẻ bị rối loạn học tập chỉ có thể gặp khó khăn trên một phương diện, như: đọc, viết, tính toán, nhưng các thông số về trí tuệ, khả năng tương tác của trẻ hoàn toàn bình thường. Rối loạn học tập khác với khuyết tật về trí tuệ (tất cả các khả năng trí tuệ của đứa trẻ đều bị chậm, ở nhiều khía cạnh học tập, cuộc sống), cũng khác về tự kỷ (khả năng tương tác xã hội có sự bất thường). Nhiều biểu hiện lâm sàng cho thấy trẻ đã bị rối loạn từ trước nhưng khi cần sử dụng đến các kỹ năng hoặc khi bắt đầu đi học mới phát hiện ra - Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến cho biết.

* Liên kết giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng

Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị rối loạn học tập cần có biểu hiện của ít nhất một trong các triệu chứng sau ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp: Đọc từ không chính xác hoặc chậm và tốn nhiều công sức (ví dụ: đọc to các từ đơn một). Khó hiểu ý nghĩa của những gì đọc (ví dụ: có thể đọc chính xác văn bản nhưng không hiểu trình tự). Khó khăn về chính tả (ví dụ: có thể thêm, bớt các nguyên âm hoặc phụ âm). Khó khăn với cách diễn đạt bằng văn bản (ví dụ: mắc nhiều lỗi ngữ pháp). Khó khăn trong việc nắm vững ý nghĩa số, các dữ kiện về số hoặc phép tính (ví dụ: hiểu kém về các con số). Khó khăn với lập luận toán học (ví dụ: gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc áp dụng các khái niệm). Các kỹ năng học tập bị ảnh hưởng đáng kể đến học tập hoặc hiệu suất nghề nghiệp, hoặc với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (từ 17 tuổi trở lên, tiền sử ghi nhận những khó khăn trong học tập). Những khó khăn trong học tập bắt đầu ở tuổi đi học nhưng có thể không biểu hiện đầy đủ cho đến khi nhu cầu về các kỹ năng học tập bị ảnh hưởng đó vượt quá sự cố gắng của cá nhân...

Tiến triển của rối loạn này hoàn toàn có thể kéo dài đến lứa tuổi vị thành viên, hoặc người trưởng thành. Hậu quả đối với từng lứa tuổi sẽ có các dấu hiệu khác nhau. Trẻ bị rối loạn học tập dẫn đến thành tích học tập kém, ảnh hưởng đến sự tự tin của đứa trẻ. Khi lớn lên, bệnh nhân có thể bị đồng bệnh lý thứ phát, như: rối loạn lo âu, căng thẳng...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn học tập ở trẻ, trong đó có cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Giống như rối loạn phát triển khác, việc can thiệp là cả quá trình cần có sự hỗ trợ liên tục, kéo dài, bao gồm sự tham gia của bác sỹ tâm thần, bác sỹ chuyên khoa/chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý, giáo dục... để hỗ trợ trẻ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của rối loạn. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán sớm. Phát hiện càng sớm càng giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh.

Tiến sỹ, Bác sỹ tâm lý Trịnh Thanh Hương, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia chia sẻ: Thông thường rối loạn học tập chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ, không ảnh hưởng đến các mặt khác của đời sống, vì thế nhiều bố mẹ chưa thực sự chú ý. Chỉ khi trẻ có các biểu hiện khác như: rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm, tăng động giảm chú ý..., người bệnh mới được gia đình đưa đến khám. Đồng thời, nhiều bậc cha mẹ than phiền về việc mất nhiều thời gian cho việc học của con, thậm chí có những trường hợp cha mẹ mâu thuẫn khi dạy dỗ con; dẫn đến bản thân cha mẹ kiệt sức, mệt mỏi, vô tình gây áp lực cho trẻ. Trẻ gặp áp lực khi đã cố gắng hết sức nhưng chưa đạt được kỳ vọng của bố mẹ, dần dần thiếu tự tin trong cuộc sống.

Trong các gia đình có sự quan tâm của phụ huynh sẽ phát hiện ra được những khó khăn trong việc học tập của trẻ. Mặc khác, vai trò của thầy, cô giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, thông tin thường xuyên tình hình học tập của trẻ đến phụ huynh. Việc tuyên truyền và liên kết giữa nhà trường và phụ huynh là hết sức quan trọng và cần thiết.

Việc chữa khỏi rối loạn học tập là không thể, tuy nhiên, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp thuyên giảm bệnh và bù đắp các hoạt động chăm sóc khác để trẻ có thể cân bằng trong cuộc sống - Tiến sỹ Trịnh Thanh Hương nói./.

Phúc Hằng

Tin liên quan

Xem thêm