Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế dẫn chứng, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc lá là 96,8%.
TTXVN - Ngày 16/11, tại Đà Nẵng, Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hội nghị đã tập huấn, trao đổi thảo luận về các vấn đề chính như: Tổng quan các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá và các chính sách ưu tiên trong phòng, chống thuốc lá tại Việt Nam; những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp và kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu; tác hại của thuốc lá điện tử, cập nhật tình hình các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử; tổng quan về quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, các hình thức tiếp cận giới trẻ.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS 2022) cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trên thế giới đối với nhóm tuổi 13-15 tuổi là 3,5% (nam là 4,3%, nữ là 2,8%). Kết quả điều tra thuốc lá người trưởng thành (PGATS 2020), có 7,3% người trong độ tuổi 15-24 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử.
Nếu cơ quan chức năng không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Đứng trước nguy cơ những tổn thất về sức khỏe do tác hại của thuốc lá gây nên, đặc biệt là những nguy cơ, hiểm họa từ các sản phẩm thuốc lá mới đối với giới trẻ hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới, là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng. Hoạt động này thực sự cần thiết, phải tiến hành thường xuyên đảm bảo việc truyền thông được liên tục, nâng cao chất lượng tuyên truyền, đảm bảo hiệu quả của chương trình.
Đưa ra số liệu về tác hại của thuốc lá, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế dẫn chứng, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc lá là 96,8%.
Về gánh nặng kinh tế, tại Việt Nam, ước tính năm 2020, số tiền mua thuốc lá là 49.000 tỷ đồng/năm. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP, tương đương 67.000 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, với nhiều nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật bởi sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…/.