Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng lớn

TP. Hồ Chí Minh

Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý ra đời trực thuộc Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam nhằm hướng tới chăm sóc toàn diện sức khỏe tinh thần và thể chất cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý trực thuộc Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)


TTXVN - “Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng nhưng hiện số lượng cơ sở chăm sóc, điều trị tâm thần, số lượng bác sĩ tâm thần vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu”. Thông tin được đưa ra tại Lễ thành lập Viện nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý (IPRTA) thuộc Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam diễn ra ngày 24/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Phan Kim Xuyến, chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cho biết, là thành phố lớn nhất cả nước nhưng hiện Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 90 bác sĩ tâm thần có chứng chỉ hành nghề. Tỷ lệ giường bệnh tâm thần của Thành phố cũng chỉ đạt 0,7/1.000 dân. Mỗi năm Thành phố có khoảng hơn 230.000 lượt khám bệnh tâm thần và nhu cầu ngày càng tăng cao. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người dân gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo thạc sĩ Phan Thị Kim Xuyến, do cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu nên vấn đề phát hiện bệnh lý tâm thần thường bị chậm trễ, việc điều trị cũng bị ảnh hưởng bởi các cơ sở quá tải. Trong khi đó, với vấn đề sức khỏe tâm thần, việc phát hiện sớm và kết nối với các dịch vụ hỗ trợ rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị cũng như đời sống của người bệnh.

Trước nhu cầu đó, Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý ra đời trực thuộc Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam nhằm hướng tới chăm sóc toàn diện sức khỏe tinh thần và thể chất cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý cho biết, Viện sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu hàn lâm, đào tạo và ứng dụng. Cụ thể, Viện sẽ triển khai các dự án nghiên cứu về những vấn đề tâm lý của con người Việt Nam trong phạm vi tổ chức, nhà trường và cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền tâm lý học Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học và nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực này.

Viện cũng sẽ triển khai các hoạt động ứng dụng những thành tựu về tâm lý vào thực tiễn giáo dục tâm lý cho trẻ em như: Đào tạo kiến thức cho cha mẹ nuôi dạy trẻ; chăm sóc và phát hiện sớm các trường hợp trẻ gặp khó khăn ngôn ngữ, rối loạn phát triển trí tuệ; đào tạo nhận thức cho giáo viên mầm non về trẻ “rối loạn phổ tự kỷ”; đào tạo chương trình kỹ năng cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông và các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. Đặc biệt, Dự án nhân ái “Ước mơ của mẹ” nhằm xây dựng hệ thống các trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý toàn quốc hỗ trợ trẻ em tại các địa phương còn khó khăn khi tiếp cận hỗ trợ trị liệu tâm lý cũng sẽ được Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý triển khai trong thời gian tới. 

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng, Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam trao Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng, Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, sự ra đời của Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý sẽ kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong ngành tâm lý học, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân Việt Nam, vì một thế hệ Việt Nam tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Trong bối cảnh sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm và thực trạng các loại bệnh lý tâm thần đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam kỳ vọng, Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý sẽ có những đóng góp tích cực vào việc cải thiện sức khỏe tâm thần cho cộng đồng./.

Đinh Hằng

Xem thêm