Sức khỏe

Cập nhật các nghiên cứu mới về dinh dưỡng và thực phẩm tại Việt Nam

Các đại biểu đã cung cấp nhiều bằng chứng khoa học, kết quả nghiên cứu mới từ thực tiễn của Việt Nam để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, hiệu quả các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực dinh dưỡng cộng đồng và dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế.

TTXVN - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức Hội nghị khoa học dinh dưỡng năm 2023 với sự tham dự của 160 đại biểu trong nước và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bạch Thắng)

Hội nghị nhằm trao đổi, cập nhật thông tin khoa học về dinh dưỡng, thực phẩm tại Việt Nam và thế giới cho các nhà khoa học, quản lý, giảng viên, chuyên gia để ứng dụng; định hướng hoạt động đánh giá, can thiệp, chính sách trong lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm tại Việt Nam nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Báo cáo khoa học của các đại biểu đã cung cấp nhiều bằng chứng khoa học, kết quả nghiên cứu mới từ thực tiễn của Việt Nam để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, hiệu quả các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực dinh dưỡng cộng đồng và dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế.

Điển hình là các báo cáo: Hiệu quả bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và bột lá riềng ẩm đến tình trạng dinh dưỡng và miễn dịch của trẻ tử 36 - 59 tháng tuổi dân tộc Thái tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; Hiệu quả của Lactobacillus casei Shirota lên tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ 3 - 5 tuổi tại 4 xã tỉnh Thanh Hóa; Tình trạng thiếu vi chất kẽm, một số yếu tố liên quan và hiệu quả bổ sung kẽm ở bệnh nhi từ 2 - 36 tháng tuổi mắc viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội (2017 - 2021); Thực trạng thừa cân, béo phì và hiệu quả can thiệp thực phẩm bổ sung Calorie Limit trên phụ nữ 40 - 65 tuổi thừa cân, béo phì tại một số quận, huyện của Hà Nội (2016 - 2021)...

Hội nghị cập nhật, chia sẻ các thông tin khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm thường niên năm 2023 của quốc tế và Việt Nam do các nhà khoa học của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam, nhà khoa học, giảng viên của Viện Dinh dưỡng thực hiện để góp phần chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội nghị khoa học dinh dưỡng năm 2023. (Ảnh: Bạch Thắng)

Tại hội nghị, các đại biểu được tiếp cận các thông tin khoa học đặc biệt hữu ích như: Thực trạng vấn đề dinh dưỡng trên thế giới và chiến lược dinh dưỡng toàn cầu; Thực trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và cập nhật chính sách; Thịt nhân tạo, thực phẩm biến đổi gen: Từ nghiên cứu đến ứng dụng trong dinh dưỡng; Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan đến dự báo xác suất gãy xương cho người trưởng thành; Nghiên cứu thực trạng hoạt động bổ sung vi chất cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và cho con bú tại Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 20Đại b

Đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của người bệnh đến khám tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2022, tác giả Ngô Thị Thu Huyền và Nguyễn Trọng Hưng cho biết, qua nghiên cứu 448 người bệnh đến khám tại Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn cho thấy, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (CED- chronic energy deficiency) trong đối tượng đến khám ở mức cao, chiếm 53,1%, trong đó nữ giới chiếm 54,5%, còn nam giới là 49,6%. Trong đó, tỷ lệ này ở nhóm tuổi 20-29 cao nhất là 74,6%. Đây là độ tuổi sinh sản, vì vậy dinh dưỡng ở độ tuổi này có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì tương đối thấp, chiếm 8,3%, trong đó thừa cân là 6,5% và béo phì là 1,8%. Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở nữ giới thấp hơn nam giới.

Các tác giả khuyến nghị cần có các can thiệp truyền thông dinh dưỡng sớm để phòng suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì, đặc biệt cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ…

Dịp này, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; trao bằng công nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành dinh dưỡng và Quyết định công nhận cho hai nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành dinh dưỡng./.

Bích Thủy

Xem thêm