Nghiên cứu các đề tài khoa học cấp thành phố, quốc gia để áp dụng vào thực tiễn hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy, dạy nghề và giới thiệu việc làm… phù hợp với đặc điểm của thành phố Hồ Chí Minh.
TTXVN- Tập trung nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác xã hội; xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng.
Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức tại Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thành phố với 7 trường Đại học và Học viện có đào tạo ngành Công tác xã hội về Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030, vào sáng 21/11.
Đánh giá cao nội dung và hoạt động ký kết mang tính gợi mở, có ý nghĩa nhân văn, Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Công tác xã hội là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới hàng thế kỷ nay. Tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện rõ trong huy động nguồn lực, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề xã hội đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội của quốc gia.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị, xã hội. Luật pháp và các chính sách đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội được thể chế hóa, tạo môi trường pháp lý để Thành phố triển khai.
Nhiều chương trình, giải pháp được thực hiện nhằm giải quyết tốt những vấn đề xã hội phát sinh trong từng giai đoạn như: giảm nghèo bền vững; phổ cập giáo dục bậc Phổ thông Trung học; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế tự nguyện; dạy nghề cho lao động nông thôn; phòng, chống HIV/AIDS; chăm sóc và bảo vệ trẻ em; chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, người mại dâm hòa nhập cộng đồng...
“Qua chương trình, các đối tượng thụ hưởng chính sách được mở rộng, mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Thành phố được nâng lên, các đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở tham gia vào hoạt động cộng đồng... Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng xã hội từng bước được cải thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh và giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, chủ động phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm xây dựng, triển khai kế hoạch.
Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030 được thực hiện trên cơ sở Đề án phát triển nghề Công tác xã hội tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình hướng đến xây dựng hệ thống pháp lý liên quan đến công tác xã hội, phát triển mạng lưới dịch vụ và nhân viên công tác xã hội có trình độ nhằm tăng cường năng lực cho những người yếu thế, nhóm người dễ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh cam kết cùng các đơn vị tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lực lượng làm công tác xã hội. Các bên nghiên cứu, phát triển, chia sẻ các mô hình, cách làm hay và nghiên cứu các đề tài khoa học cấp thành phố, quốc gia để áp dụng vào thực tiễn hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy, dạy nghề và giới thiệu việc làm… phù hợp với đặc điểm của thành phố.
Các bên thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu; xây dựng mạng lưới cơ sở thực hành công tác xã hội và đội ngũ cán bộ hướng dẫn sinh viên thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp, quy trình giới thiệu sinh viên đến thực tập tại các đơn vị bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng trường Đại học/Học viện.
Đồng hành cùng các trường Đại học, Học viện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác, Tiến sỹ Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở 2) tin tưởng đây sẽ là bước quan trọng nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong lĩnh vực Công tác xã hội của Thành phố nói riêng và xã hội nói chung.
Theo Tiến sỹ Phạm Ngọc Thành, công tác xã hội là một nghề mới tại Việt Nam, vì thế gặp nhiều thách thức đòi hỏi cần có sự chung tay, phối hợp giữa các ngành, cơ sở đào tạo để thúc đẩy phát triển. Việc ký kết hợp tác là cần thiết và vô cùng ý nghĩa, nhất là trong hỗ trợ, chia sẻ thông tin, nguồn lực; tạo điều kiện để sinh viên thực hành, phát triển sự nghiệp; là bước quan trọng để xây dựng xã hội mà mọi người đều có thể hưởng lợi, có cơ hội, không bị bỏ lại phía sau.
Thành phố hiện có có 92 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 28 cơ sở công lập và 64 cơ sở ngoài công lập, đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 20.600 đối tượng. Bên cạnh đó, hơn 136.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và khoảng 6.500 người làm công tác xã hội tại các cơ sở, phòng, ban, ngành, đoàn thể.../.
- Từ khóa:
- cai nghiện
- ma tuý
- tệ nạn xã hội