Tối 6/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình hòa nhạc sẽ diễn ra với sự tham gia của các nhạc công không chuyên cùng nhạc trưởng Nhật Bản - Honna Tetsuji.
(TTXVN) Các nghệ sỹ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) và Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) sẽ trình diễn nhiều tác phẩm đặc sắc trong chương trình hòa nhạc diễn ra tối 6/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội (Family Concert). Đặc biệt, đêm nhạc có sự tham gia của nhạc công không chuyên cùng sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản - Honna Tetsuji.
Chương trình sẽ là nơi những nghệ sỹ chuyên nghiệp, người trẻ nhiệt huyết và nhạc công đam mê đến từ cộng đồng cùng hòa âm, chia sẻ niềm vui chơi nhạc cùng nhau. Đêm diễn sẽ là sân khấu hòa âm của nhiều cá tính khác biệt, nhiều câu chuyện thú vị.
Trong đó phải kể đến tổ khúc giao hưởng "Thiên thanh" mang âm hưởng âm nhạc dân tộc do Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng sáng tác dành riêng cho Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam sẽ được công diễn lần đầu tiên. Những giai điệu trong tác phẩm này được viết theo cách mô phỏng âm hưởng truyền thống của Tây Bắc, Tây Nguyên, Chăm Pa và Huế.
Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng chia sẻ về tổ khúc nhỏ "Thiên thanh": Màu xanh của núi rừng, trời biển, của thiên nhiên và màu xanh của tuổi trẻ...là những cảm xúc ban đầu đã chấp bút cho anh vẽ nên một bức tranh sơn hà bằng ngôn ngữ của dàn nhạc giao hưởng. Giai điệu của "Thiên thanh" là sự mô phỏng những âm hưởng của các vùng văn hoá Tây Bắc, Champa, cố đô Huế và Tây Nguyên, nơi đã sinh dưỡng những giá trị thẩm mỹ âm nhạc cổ truyền của Việt Nam".
Tổ khúc "Thiên thanh" gồm 3 chương nhạc là "Mường Hoa Xuân", "Trăng đại ngàn" và "Kinh đô mở hội".Cùng với "Thiên thanh", khán giả yêu âm nhạc còn được thưởng thức tổ khúc Ma mère L'Oye Suite ("Mẹ Ngỗng của tôi") của Nhà soạn nhạc Maurice Ravel; bản giao hưởng số 94 mang tên "Giật mình" của nhà soạn nhạc Franz Joseph Haydn và giao hưởng thơ "Những cây thông La Mã" của Ottorino Respighi. "Mẹ Ngỗng của tôi" là tổ khúc của Nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel.
Bản nhạc ban đầu được tác giả viết cho piano gồm 5 chương vào năm 1910, để cho hai con nhỏ của bạn mình chơi song tấu. Năm 1911, Ravel đã phối khí tác phẩm cho dàn nhạc và phiên bản này đã trở nên phổ biến, được trình diễn nhiều hơn.
Ravel đã dùng nhiều câu truyện cổ tích khác nhau để làm phông nền cho âm nhạc của mình, hay nói cách khác, ông dùng âm nhạc để diễn tả bối cảnh, cảm xúc nhân vật của các câu chuyện ấy… Cụ thể trong tác phẩm "Mẹ Ngỗng của tôi" này có những chi tiết, cuộc trò chuyện của những nhân vật trong các câu chuyện "Người đẹp ngủ trong rừng", "Người đẹp và quái thú", "Cậu bé Tí hon", "Cô bé xấu xí"…
Tất cả số tiền thu được từ bán vé hòa nhạc tối 6/12 (Family Concert) sẽ được chuyển vào "Quỹ cộng đồng" của Học viện Âm nhạc VYMI nhằm trang bị nhạc cụ hiếm cho các thành viên của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cũng như tổ chức các chương trình thường thức âm nhạc cổ điển miễn phí dành cho cộng đồng.../.