Hòa thượng Lý Sa Mouth luôn tâm niệm bản thân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, sống đạo đức, trở thành tấm gương cho người dân noi theo.
Gần 80 tuổi nhưng Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Sê-rây Vong-sa Chey-ya-ram (còn gọi là chùa Đìa Muồng, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu) vẫn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Hòa thượng đã phát huy vai trò, uy tín của mình trong công tác tuyên truyền để người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần xây dựng phum, sóc Bạc Liêu đoàn kết và phát triển.
Vì phum, sóc bình yên
Năm 1964, khi mới 16 tuổi, ông đã vào chùa Đìa Muồng theo truyền thống báo hiếu của đồng bào Khmer, vừa tu vừa học để nâng cao trình độ học vấn, góp phần nêu gương trong học tập để con em đồng bào dân tộc Khmer bổn sóc noi theo. Sau 6 năm tu tập tại chùa, đến năm 1970, vị sư Lý Sa Mouth được tấn phong làm Đại đức, Phó Trụ trì chùa. Trong khoảng thời gian trên, Đại đức Lý Sa Mouth luôn tích cực vận động chư tăng, Phật tử đấu tranh, lên án hành vi của giặc Mỹ bắn phá các chùa chiền, nơi tu hành của sư sãi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đại đức Lý Sa Mouth làm Trụ trì chùa Đìa Muồng cho đến nay. Năm 1981, ông là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) khóa I; thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 2002, Đại đức Lý Sa Mouth được tấn phong lên Thượng tọa; đến năm 2010 được tấn phong là Hòa thượng. Từ năm 1998 đến năm 2018, Hòa thượng Lý Sa Mouth được bầu làm Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu và hiện nay là Thành viên Ban Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu.
Góp sức điểm tô phum, sóc
Không chỉ là một nhà sư luôn vì bình yên phum, sóc, Hòa thượng Lý Sa Mouth còn là một người con hết lòng vì quê hương. Tất cả các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động, ông đều tích cực tham gia. Điển hình là việc xây nhà tình thương, xóa nhà tạm, dột nát cho đồng bào Khmer tại ấp Vĩnh Lộc trong nhiều năm qua. Được biết, Hòa thượng Lý Sa Mouth đã vận động các nhà hảo tâm, Phật tử xây dựng hơn 70 căn nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn.
Trung tá Nguyễn Văn Tại, Trưởng Công an xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cho biết: “Khi huyện Phước Long thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa thượng Lý Sa Mouth đã vận động người dân trong phum, sóc hiến đất làm đường giao thông nông thôn; vận động các nhà hảo tâm xây 4 cây cầu giao thông để người dân, học sinh trong xã thuận tiện đi lại, giao thương buôn bán. Những việc làm của Hòa thượng Lý Sa Mouth đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền ấp Vĩnh Lộc giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa” gần 20 năm qua và cũng là một trong những ấp sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã”.
Hòa thượng Lý Sa Mouth luôn tâm niệm bản thân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, sống đạo đức, trở thành tấm gương cho người dân noi theo. Ông đã vận động từng hộ dân trồng cây kiểng tạo hàng rào trước nhà. Từ đó ai cũng làm theo, người trồng khóm hoa, hàng rào dâm bụt, ai có mảnh sân rộng thì tận dụng đất gieo vài luống rau cho bữa ăn hàng ngày, điểm tô thêm vẻ đẹp cho quê hương Vĩnh Lộc.
Hòa thượng Lý Sa Mouth cùng với Ban Quản trị chùa Đìa Muồng đã vận động người dân tham gia vào “Tổ dòng tộc tự quản về an ninh trật tự”. Mô hình này cũng chính do Hòa thượng Lý Sa Mouth đề xuất chính quyền địa phương thành lập vào tháng 10/2011. Từ 7 tổ với 746 thành viên tại ấp Vĩnh Lộc, đến nay, mô hình được nhân rộng ở nhiều nơi tại tỉnh, được Bộ Công an công nhận, nhân rộng trên toàn quốc.
Hòa thượng Lý Sa Mouth chia sẻ thêm: “Hồi đó, tôi đề xuất thành lập mô hình Tổ dòng tộc tự quản này với mong muốn có thể tuyên truyền cho đồng bào thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và của địa phương mình; cùng nhau làm việc thiện, có ích cho xã hội. Hộ nào có mâu thuẫn, tranh chấp thì chúng tôi đến hòa giải; ai có khó khăn thì chúng tôi gom góp sức người sức của mà hỗ trợ. Làm sao để trong dòng tộc mình, trong phum, sóc mình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được tăng cường, không xảy ra vụ việc gì mất an ninh trật tư, vậy mới là nông thôn mới văn minh, kiểu mẫu”.
Năm 2011, Hòa thượng Lý Sa Mouth được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xây dựng và quản lý nhà nước về công tác tôn giáo tại tỉnh Bạc Liêu. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen nhiều năm liền cho Ban Trụ trì chùa Đìa Muồng nói chung và Hòa thượng Lý Sa Mouth nói riêng trong việc xây dựng xã Vĩnh Phú Đông ngày càng giàu đẹp…
Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 17.000 gia đình người Khmer, với hơn 75.000 nhân khẩu (chiếm 7,58% dân số). Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và phát huy hiệu quả. Đến nay, đời sống đồng bào Khmer cũng như người dân ở Bạc Liêu đã khởi sắc. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm nhanh, xuống còn 3,86%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bạc Liêu luôn được quan tâm đặc biệt, được thực hiện đầy đủ và kịp thời, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến rất rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc không ngừng khởi sắc, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đồng bào Khmer Bạc Liêu luôn đoàn kết, chung tay cùng với các cấp chính quyền xây dựng cuộc sống, quê hương Bạc Liêu ngày càng phồn vinh, phát triển./.
- Từ khóa:
- hòa thượng
- phum
- sóc
- người tốt việc tốt
- gương sáng
- Bạc Liêu