Xây dựng Đảng

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, khẳng định vị trí của tổ chức Công đoàn

Trong bối cảnh số lượng đoàn viên liên tục tăng và xuất hiện cạnh tranh công đoàn, việc cho phép công đoàn tuyển chọn và sử dụng lao động hợp đồng cho các nhiệm vụ chuyên môn giúp đáp ứng nhu cầu về nhân sự, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng phức tạp.

Công đoàn Công ty Cổ phần Gang thép Thái nguyên đi thăm xưởng luyện thép
Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN 

Thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, người lao động Việt Nam có nhiều cơ hội về việc làm, tuy nhiên cũng đối diện nhiều thách thức từ những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động để chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động đang là đòi hỏi đặt ra với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được chỉnh lý, hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống cán bộ công đoàn các cấp, là "điểm tựa" vững chắc cho người lao động trên cả nước.

* Duy trì việc đóng phí Công đoàn là cần thiết

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Việc giữ nguyên mức đóng này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận thời gian qua. Tuy nhiên, thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, mức đóng này là phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để Công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở; góp phần thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) tán thành quy định về mức đóng này vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế. Việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhất trí cao với việc giữ 2% kinh phí công đoàn, cho rằng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người lao động. Về tài chính công đoàn cần đảm bảo công đoàn được chủ động, giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo việc giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động. Các khảo sát tại các công đoàn cơ sở cũng cho thấy, mức đóng này đã giúp tăng cường khả năng chăm lo cho đoàn viên công đoàn, từ các hoạt động phúc lợi, thăm hỏi đến các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng. 75% số kinh phí này đã được phân bổ cho công đoàn cơ sở để sử dụng trực tiếp cho các hoạt động phúc lợi của người lao động, bao gồm thăm hỏi ốm đau, quà tết, hỗ trợ văn hóa, thể thao…

Tổ chức công đoàn cho rằng, việc giữ nguyên mức đóng này được đánh giá là cần thiết để đảm bảo không gây ra cú sốc về phúc lợi cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức công đoàn đang nỗ lực thu hút, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới về kiểm tra, thanh tra, và kiểm toán công đoàn. Các điều 31, 32 và 33 trong dự thảo đều được chỉnh sửa nhằm tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng, đảm bảo việc sử dụng kinh phí công đoàn được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả.

*Bảo đảm số lượng cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) hiện được xây dựng gồm 6 Chương, 36 Điều. So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật có một số nội dung thay đổi nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Việc tăng cường đội ngũ cán bộ công đoàn là phù hợp trong điều kiện hiện nay, được người lao động ủng hộ.

Chị Hoàng Thị Huệ (quê ở Lào Cai) là công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Thái Nguyên được gần 10 năm nhưng vẫn phải ở trọ ở nơi tạm bợ để tiết kiệm chi phí. Hai vợ chồng chị đang làm thủ tục mua nhà ở xã hội theo hướng dẫn của cán bộ công đoàn. Tuy nhiên, do phải tư vấn cho quá nhiều người nên việc hỗ trợ cho người lao động cũng không được nhanh chóng, hiệu quả.

Theo chị Huệ và nhiều công nhân khác, khi lao động gặp vấn đề cần trợ giúp, người đầu tiên họ nghĩ đến là cán bộ công đoàn. Chính vì vậy, việc tăng cường cán bộ công đoàn cơ sở là rất cần thiết để tổ chức công đoàn thực sự là "điểm tựa" vững chắc cho người lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thu Hằng trả lời phỏng vấn
Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN 

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thu Hằng, hiện nay đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đều thiếu trước sự phát triển ngày càng nhiều các khu công nghiệp, kèm theo số lượng công nhân tăng lên nhanh chóng. Tổ chức công đoàn phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động liên quan đến người lao động như: Tổ chức đối thoại, thỏa ước lao động hay đòi hỏi quyền lợi và chăm lo đời sống cho công nhân.

Theo bà Hoàng Thu Hằng, việc bổ sung cán bộ công đoàn là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Một trong những vấn đề nổi bật cần thay đổi đó là sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn. Ở những nơi có đông đoàn viên và người lao động, số lượng biên chế lại ít hơn so với những nơi ít đoàn viên. Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch giữa công tác cán bộ với việc bảo đảm nguồn tài chính khi cấp ủy phân bổ biên chế nhưng công đoàn lại phải đảm bảo lương. Việc không thể điều chuyển tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng đang là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn.

Tổng hợp báo cáo của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, tính đến 31/3/2024, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho 4 tổ chức chính trị- xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tính cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là 62.141 biên chế. Trong khi đó, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy tạm giao năm 2024 là 5.119 biên chế.

Dù còn thấp hơn nhiều so với các tổ chức khác nhưng theo tính toán của Tổng Liên đoàn, căn cứ vào số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở, tổng số biên chế tối thiểu cần thiết cho các cấp công đoàn tại địa phương là 5.899 biên chế. Như vậy, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho công đoàn đang thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của tổ chức Công đoàn là 780 biên chế.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hiện nay cán bộ công đoàn cơ sở đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp do họ là người lao động được chủ doanh nghiệp tuyển dụng và trả lương. Do đó, yêu cầu cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt là khó.

 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ về Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN

Theo ông Hiểu, cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp đông công nhân do công đoàn quản lý và trả lương sẽ đảm bảo tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trong bối cảnh số lượng đoàn viên liên tục tăng và xuất hiện cạnh tranh công đoàn, việc cho phép công đoàn tuyển chọn và sử dụng lao động hợp đồng cho các nhiệm vụ chuyên môn giúp đáp ứng nhu cầu về nhân sự, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng phức tạp. Đồng thời, điều này tạo sự linh hoạt trong việc bố trí cán bộ, đặc biệt tại các doanh nghiệp, với ưu tiên bố trí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn ở các vị trí việc làm không trọng yếu, không liên quan đến bí mật nhà nước và tổ chức công đoàn./.

Đỗ Bình

Xem thêm