Quốc hội với Cử tri

Hoàn thiện quy định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

TP. Hồ Chí Minh

Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn việc người chưa thành niên phạm tội phải áp dụng đồng thời với một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng, trong số 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đã quy định

Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN 

Các điều khoản liên quan đến vấn đề xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội được các đại biểu đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến đóng tại Hội thảo góp ý Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 18/9.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Khoa Luật, Đại học Cảnh sát nhân dân đề nghị sửa đổi điều 34 (Mục đích xử lý chuyển hướng) theo hướng cô đọng, ngắn ngọn và khái quát hơn, tránh dàn trải và trùng lặp như hiện tại; đồng thời đề nghị sửa khoản 2, Điều 39 quy định về điều kiện áp dụng người chưa thành niên phạm tội từ “Người chưa thành niên thừa nhận mình có tội”, thành “Người chưa thành niên thừa nhận mình phạm tội”, để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khoản 4 Điều 35 quy định: "Không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi” là không bảo đảm được tinh thần “phát triển tư pháp thân thiện với người chưa thành niên phạm tội”, nhất là trong thực tế có nhiều trường hợp thời gian xem xét bị kéo dài gây ảnh hưởng, thiệt hại quyền lợi cho người phạm tội chưa thành niên.

Do đó, bà đề nghị, trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng vì lý do khách quan đã kéo dài thời gian xem xét người chưa thành niên phạm tội, nếu người phạm tội đã đủ 18 tuổi thì vẫn áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36, Điều 37, Điều 38, trừ các biện pháp xử lý chuyển hướng không thể áp dụng đối với người đã đủ 18 tuổi như giáo dục tại trường giáo dưỡng. Bà đề nghị bổ sung: “Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã và Chủ tịch tổ chức chính trị xã hội cấp xã có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng” vào điều 52 quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Cũng liên quan đến các quy định về chuyển hướng, Luật sư Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn việc người chưa thành niên phạm tội phải áp dụng đồng thời với một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng, trong số 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đã quy định. Đồng thời cần chặt chẽ hơn để có khả thi trên thực tế về quy định “hạn chế khung giờ đi lại là việc giới hạn người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà vào khung giờ nhất định trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp được người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho phép”- khoản 1, Điều 45.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh đề nghị làm rõ thế nào là “vai trò không đáng kể trong vụ án” trong “Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án” được quy định tại khoản 3, Điều 37 và điểm c, khoản 2, Điều 41, để đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan, công bằng trong xử lý; đề nghị bỏ quy định “Người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng” trong điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (khoản 3, Điều 39), vì việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải căn cứ vào độ tuổi, nhận thức, hoàn cảnh cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên để đánh giá khả năng để cải tạo, phục hồi cho người chưa thành niên chứ không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của người chưa thành niên.

Bà nêu quan điểm, nên áp dụng theo hướng xem xét cho người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phổ biến hơn là thực hiện quy trình tố tụng hình sự. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên có thể bị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc hơn, đó là giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không bị tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp phạm tội mới. Quy định theo hướng này bảo đảm chính sách hình sự nhất quán, bao trùm đối với người chưa thành niên là hướng đến mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, không nhằm mục đích trừng phạt.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Qua đó xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc xây dựng và ban hành Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên là yêu cầu khách quan và cần thiết, một nội dung quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc sớm ban hành sẽ có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ trẻ em nói chung.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 173 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới./.

Nguyễn Xuân Khu

Tin liên quan

Xem thêm