Sức khỏe

Hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu được duy trì khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Hà Nội

Các trạm y tế trên địa bàn Hà Nội đều chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Hoạt động khám, chữa bệnh tại các trạm y tế ổn định. 
Ảnh: Nguyễn Cúc

Cùng với những lĩnh vực khác triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các trạm y tế xã, phường của Hà Nội đã cơ bản hoạt động ổn định thông suốt. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, các trạm y tế của 126 phường, xã cần đảm bảo 2 nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước và chuyên môn.

Trạm y tế khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp có quy mô lớn nên cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người hướng tới mục tiêu kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, công tác dân số, khám, chữa bệnh, quản lý bệnh mạn tính, cấp phát thuốc, điều trị ARV, điều trị tâm thần cũng cần lưu ý.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động chuyên môn, các trạm y tế có khó khăn, cần báo cáo ngay Sở Y tế để được hỗ trợ, giải quyết. Sở Y tế Hà Nội đã giao Phòng Nghiệp vụ Y thường trực xây dựng tài liệu hướng dẫn hỗ trợ về chuyên môn cho các trạm y tế cấp xã để các hoạt động ổn định, thông suốt, bảo đảm chất lượng.

Tại một số trạm y tế xã, phường, nói chung các hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu, triển khai tiêm chủng mở rộng, phòng, chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo an toàn thực phẩm... đều được duy trì ổn định và từng bước cải tiến. Đặc biệt, các trạm đều chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Cụ thể: Trạm Y tế xã Phúc Thịnh thường xuyên có đông người dân đến khám, chữa bệnh và lĩnh thuốc bảo hiểm y tế. Theo ông Trần Ngọc Nghĩa - Trưởng trạm, qua 3 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, đơn vị đã duy trì đảm bảo các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, không để bị gián đoạn. Các hoạt động khám, chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống dịch bệnh... đều diễn ra bình thường, đảm bảo tiến độ và linh hoạt.

Theo ông Nguyễn Đăng Phúc (65 tuổi, xã Phúc Thịnh), ông cũng như nhiều người dân đến khám sức khỏe đều được các y bác sĩ của trạm y tế đón tiếp, hướng dẫn và khám tận tình, chu đáo. Toàn bộ quá trình khám bệnh của ông không vướng mắc gì, mặc dù trước sắp xếp, ông có hộ khẩu ở xã khác.

Khám bệnh cho người dân tại Phòng khám 21 Phan Chu Trinh (thuộc Trạm y tế phường Cửa Nam, Hà Nội). 
Ảnh: Nguyễn Cúc

Trạm Y tế phường Cửa Nam có 3 phòng khám (Phòng khám 50C Hàng Bài, Phòng khám 21 Phan Chu Trinh, Nhà hộ sinh A 36 Ngô Quyền) và 5 điểm trạm y tế đặt tại các phố (Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Cửa Nam, Hàng Bài). Trạm đã được kiện toàn các chức danh ngay từ tuần đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trưởng trạm và Phó trưởng Trạm Y tế phường được bổ nhiệm là những người có năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao.

Bà Phạm Hồng Diệp, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Cửa Nam cho biết, trạm có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật: Phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, phục hồi chức năng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, người cao tuổi; an toàn thực phẩm; thuốc, vaccine, thiết bị y tế cơ bản; dân số; bảo trợ xã hội và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật... Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS; tiêm chủng phòng bệnh...

Theo bà Phạm Hồng Diệp: “Từ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, trạm y tế đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Y tế Hà Nội ban hành; triển khai và phân công nghiệm vụ cụ thể cho các bộ phận, xây dựng các kế hoạch cho các hoạt động, chương trình y tế. Trạm chỉ đạo các bộ phận, điểm trạm chủ động giám sát, khoanh vùng, xử lý ca bệnh gây dịch trên địa bàn như ho gà, tay chân miệng, viêm não nhật bản, sốt phát ban nghi sởi, sốt xuất huyết; lập kế hoạch chi tiết và thực hiện tiêm chủng thường xuyên an toàn hiệu quả đúng lịch…”./.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan

Xem thêm