Ngày học đầu tiên cũng là lúc các em tạm rời xa vòng tay cha mẹ để "nhập trường", để tiếp tục hành trình thu nạp kiến thức với thầy cô, bạn bè.
(TTXVN)- Ngày mai (5/9), các trường trên cả nước đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024. Tại Hà Giang, công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã hoàn tất.
Sáng 4/9 là ngày học chính thức đầu tiên của các em học sinh huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Do điều kiện đường sá giao thông nhiều nơi chưa thuận lợi, khoảng cách từ nhà đến trường tương đối xa, phần lớn các em học bán trú. Ngày học đầu tiên cũng là lúc các em tạm rời xa vòng tay cha mẹ để "nhập trường", để tiếp tục hành trình thu nạp kiến thức với thầy cô, bạn bè.
Niềm vui, tâm trạng hân hoan, phấn khởi thể hiện rõ nét trên những khuôn mặt nhỏ bé khi được gặp thầy, gặp bạn sau quãng thời gian nghỉ Hè. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa lớn kéo dài từ đêm đến sáng, đa phần các em học sinh đều có mặt tại trường từ rất sớm.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc), năm học 2023-2024, có trên 1.100 em học sinh theo học bao gồm cả trường chính và 11 điểm trường ở các thôn bản.
Cô Hoàng Lệ Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tính đến hết buổi sáng đầu tiên học chính thức, sĩ số nhà trường duy trì được trên 95% các em học sinh đến trường. Mưa lớn kéo dài khiến việc tới trường của các em gặp trở ngại.
Ông Vũ Đức Ánh, Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cơ bản số học sinh đến trường đạt 98%. Một số em nhà ở gần vùng dịch bạch hầu, nên chưa vận động các em đến trường được, còn lại cơ bản các em đã đến trường nhập học đầy đủ.
Ông Vũ Đức Ánh cho biết thêm, đối với các thầy, cô giáo, ngay từ buổi học đầu tiên, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã triển khai tới các thầy, cô đến từng điểm trường, từng gia đình để tuyên truyền, thông báo cho phụ huynh và học sinh biết lịch tựu trường và lịch khai giảng.
Trưởng Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc (Hà Giang) Bùi Văn Thư cho biết, nhận thức của một số bà con còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình. Bên cạnh đó, do địa hình rất phức tạp, chia cắt mạnh, việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn. Các thầy cô phải trực tiếp đến tận nhà để vận động phụ huynh và các em.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, năm học 2023 - 2024, huyện có 56 trường; trên 1.000 lớp học với trên 29.000 học sinh. Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo.
Huyện đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong việc huy động học sinh đến lớp; chỉ đạo, quản lý công tác duy trì sĩ số học sinh; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; xây dựng và dần hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa hình thức dạy và học…./.