Chỉ đạo, Điều hành

Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX thông qua 9 Nghị quyết quan trọng

Phú Thọ

Trong 9 Nghị quyết quan trọng, tỉnh Phú Thọ tập trung trọng tâm vào Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Toàn cảnh Kỳ họp chuyên đề thứ 2, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Ngày 6/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp chuyên đề thứ 2, thông qua 9 Nghị quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới.

Nhiều nội dung quan trọng đã được thông qua như: Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đảm bảo cơ sở vật chất cho Công an xã, thị trấn chính quy trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; mức hỗ trợ kinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025… Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Phú Thọ cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

*Tập trung đóng góp vào Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030

Tại Kỳ họp, nhiều đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hạ Hòa Lưu Quang Huy cho rằng, quy hoạch được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ lần thứ XIX. Tuy nhiên, quy hoạch cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; ưu tiên thu hút ngành Công nghiệp có công nghệ cao, công nghệ mới; không phát triển sản phẩm theo mô hình truyền thống tiêu hao nguyên liệu lớn, giá trị thấp và gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh cần quan tâm ưu tiên phát triển dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ hành chính công; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại của vùng; khuyến khích thực hiện liên kết không gian du lịch vùng, kết nối hình thành tuyến, tour du lịch liên vùng, nhằm khai thác tối đa lợi thế của Phú Thọ.

Đồng chí Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ, phát biểu khai mạc Kỳ họp. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng đã chỉ ra khó khăn, vướng mắc: Hệ thống quy hoạch cấp trên như hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng… chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầy đủ. Việc này gây ra bất cập, vướng mắc trong hoạch định chiến lược, xác định, định hình lĩnh vực phát triển, ngành mũi nhọn, quỹ đất sử dụng của tỉnh trong mối liên kết vùng, quốc gia, mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, dẫn đến việc phải chỉnh sửa, bổ sung Quy hoạch tỉnh trong trường hợp quy hoạch cấp trên có thay đổi.

Theo ông Trần Quang Tuấn, Quy hoạch tỉnh là loại hình quy hoạch mới, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế. Dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đang được nghiên cứu cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xác lập các định hướng mục tiêu trong quy hoạch. Bên cạnh đó, ông Trần Quang Tuấn đề nghị, một số nội dung định hướng trong Quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở; nghiên cứu, bổ sung số lượng điểm khai thác đất san lấp, đắp nền cho phù hợp…

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, quy hoạch tỉnh cần bổ sung nội dung về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nền kinh tế lớn để mang tính đột phá; phân bổ không gian cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp cần bổ sung để chi tiết, cụ thể; danh mục dự án ưu tiên và ưu tiên thực hiện cần được cụ thể hóa, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; bổ sung phần đánh giá thực hiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; làm rõ nội dung chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh so với các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc…

Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, trình bày đề nghị thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

*Nhanh chóng cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào đời sống

Theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, mở ra những cơ hội phát triển mới, định hình các giá trị mới cho tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ xác định năm quan điểm phát triển: Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Tổ cội nguồn dân tộc; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện cơ cấu các ngành sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành dịch vụ, du lịch trọng điểm; phát huy tối đa nhân tố con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng- an ninh…

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX thông qua tại kỳ họp chuyên đề thứ 2 là quan trọng để đảm bảo điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các đại biểu HĐND biểu quyết thông qua một số Nghị quyết tại kỳ họp. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bế mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu đề nghị, UBND tỉnh nhanh chóng cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch, chương trình, triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết Quy hoạch tỉnh vừa được thông qua; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, tiếp thu ý kiến bổ sung, góp ý của các bộ, ngành Trung ương, thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã thông qua tại Kỳ họp. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban, tổ đại biểu và đại biểu có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện tốt chức năng giám sát các nội dung nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp tới cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Với những giải pháp đề ra, tỉnh Phú Thọ phấn đấu năm 2023 duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10,5% trở lên; đưa tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt từ 6.200- 6.300 USD trở lên; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 43,5 nghìn tỷ đồng trở lên, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.109 tỷ đồng trở lên; đô thị hóa đạt từ 19,6% trở lên; hộ nghèo giảm từ 0,5% trở lên.../.

PV

Xem thêm