Sau bão, câu chuyện tái thiết lại nền kinh tế, khôi phục toàn diện các lĩnh vực được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu, trong đó “hồi sinh” diện tích rừng, “lá phổi xanh” của vùng Đông Bắc được địa phương này xác định là nhiệm vụ cấp bách.
Những cánh rừng xanh mướt, kế sinh nhai của hàng nghìn con người ở Quảng Ninh chỉ sau một cơn bão số 3 (Yagi) đã bị bật gốc, bẻ gãy, vặn xoắn… Cơn bão khiến cho nhiều người dân trước đó còn vui mừng vì sắp đến ngày được thu hoạch, thì sau bão gần như trắng tay, thứ họ nhận về là ngổn ngang những cánh rừng xơ xác, những bãi củi lớn khó tận thu.
Sau bão, câu chuyện tái thiết lại nền kinh tế, khôi phục toàn diện các lĩnh vực được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu, trong đó “hồi sinh” diện tích rừng, “lá phổi xanh” của vùng Đông Bắc được địa phương này xác định là nhiệm vụ cấp bách.
Chỉ khoảng 4 giờ đổ bộ vào Quảng Ninh vào ngày 7/9, cơn bão số 3 khiến trên 119.000 ha rừng ở nhiều huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại, tan hoang, tương đương với giá trị thiệt hại về kinh tế lâm nghiệp là gần 6.500 tỷ đồng.
Đi dọc tuyến Tỉnh lộ 234, Quốc lộ 279, quốc lộ 18, trải dài từ thành phố Hạ Long đi huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu đâu đâu cũng nhìn thấy sự hoang tàn của những cánh rừng đang “chết mòn” sau siêu bão số 3. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, đến hết tháng 9/2024, tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 119.000 ha (mức thiệt hại từ 30-100%, phần lớn diện tích không có khả năng phục hồi), trong đó: Diện tích rừng trồng là trên 112.400 ha, diện tích rừng tự nhiên là trên 6.600 ha. Tổng số hộ gia đình bị thiệt hại 22.390 hộ, bao gồm các hộ gia đình được giao đất, giao rừng và các hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thành phố Hạ Long là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề ở mọi mặt do cơn bão số 3, riêng lĩnh vực lâm nghiệp ước thiệt hại khoảng 1.155 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là rừng trồng với trên 22.800/37.000ha, tương đương với khoảng 1.140 tỷ đồng; rừng đặc dụng bị thiệt hại 50 ha, giá trị khoảng 15 tỷ đồng.
Là một trong số các hộ có diện tích rừng khá lớn tại xã Tân Dân, thành phố Hạ Long, ông Trinh Hồng Quyết (63 tuổi), người dân tộc Dao ở thôn Khe Đồng cho biết, gia đình ông có tổng khoảng 30 ha rừng; trong đó có 14 ha rừng trồng chủ yếu là keo và bạch đàn từ 2-3 năm tuổi, những tưởng đã đi qua được một nửa chặng đường đợi ngày thu hoạch thì cơn bão số 3 vừa qua đã gần như bẻ gãy hết, cả khu rừng xanh giờ chỉ còn lại ngổn ngang thân cây đổ rạp, bật gốc, xót xa không nguôi, nhưng “trời làm” thì phải chịu.
Ông Quyết cho biết, hiện nay tìm thuê người đi phát dọn rất khó, vì người dân ở đây nhà nào cũng phải đi dọn rừng của họ, tiền công thì cao hơn trước. Trước đây chỉ khoảng 200.000 đồng/ngày công thì giờ phải từ 300.000 - 350.000 đồng nhưng vẫn không có người làm, vì dọn rừng bị gãy đổ vừa khó di chuyển, vừa mệt hơn lúc thu gỗ bình thường. Mặt khác hiện nay giá thu mua gỗ rừng tận thu thấp, có đơn vị thu mua còn ép giá người dân vì lượng cây đổ quá nhiều. Nếu tính ra các khoản chi phí thì người trồng rừng bị thiệt đơn thiệt kép, không còn nguồn thu nhập.
Nỗi trăn trở của ông Quyết và hàng chục nghìn hộ dân bị mất rừng sau bão là cây giống để tái trồng rừng, bởi không chỉ giá cây giống bị đội lên gấp nhiều lần mà nguồn cung hiện tại không đủ, khó để mua được cây giống. Ông Quyết đề xuất tỉnh có ý kiến để các đơn vị thu mua không ép giá khi mua gỗ tận thu rừng của người dân và tìm nguồn cung cây giống có giá ổn định, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người trồng rừng tái khôi phục sản xuất.
Cũng như ông Quyết, hiện nay trong tỉnh Quảng Ninh, hàng chục nghìn chủ rừng chỉ sau cơn bão số 3 bỗng trở nên trắng tay, nhiều người nợ chồng nợ. Những cánh rừng từng chứa đựng bao nhiêu niềm hy vọng về tương lai, về nguồn thu chính giờ chỉ còn là ký ức, hiện thực là bộn bề lo toan để tái hồi sinh những cánh rừng./.
- Từ khóa:
- Hồi sinh
- những cánh rừng
- bão số 3