Hội thảo khoa học “Xây dựng khôi phục đền thờ Đức Thánh Trần tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên” có sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu di sản văn hóa, tín ngưỡng.
Ngày 16/2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng khôi phục đền thờ Đức Thánh Trần tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu di sản văn hóa, tín ngưỡng.
Phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, khi đến thành phố Điện Biên Phủ, du khách đều mong muốn tìm hiểu lịch sử giai đoạn trước 1954. Dù khá muộn nhưng những phát hiện mới xung quanh các tấm ảnh về Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1 dường như là một bổ sung cho mong muốn nêu trên, với ý tưởng ban đầu về việc phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1. Tại Hội thảo khoa học lần thứ nhất do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức ở thành phố Điện Biên Phủ, quan điểm xây dựng mới đã dần thay thế quan điểm phục dựng ban đầu.
Hội thảo khoa học lần thứ hai nhằm tiếp tục thảo luận sâu một số vấn đề: Tính xác thực của các tấm ảnh về Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1; khả năng tìm kiếm thêm tư liệu liên quan; tục thờ Thần và tục thờ Đức Thánh Trần nói chung và ở vùng núi phía Bắc; sự cần thiết của việc xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần; xem xét Đền thờ Đức Thánh Trần trong không gian Quy hoạch Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, lựa chọn vị trí xây dựng; phác thảo về kết nối Đền thờ các liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với Đền thờ Đức Thánh Trần và các điểm di tích phụ cận; cơ sở pháp lý và phác thảo kế hoạch xây dựng Đền.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, trong bối cảnh tỉnh Điên Biên đang có những bước phát triển khả quan về kinh tế - xã hội, cần tạo nên nhận thức chung về mục tiêu xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tới mỗi người dân, chính quyền và cấp ủy các cấp để việc xây dựng đền thờ trở thành mối quan tâm chung, có sự tham gia mạnh mẽ của nhân dân…
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, theo các chứng cứ lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhân dân Điện Biên (tỉnh Lai Châu trước đây) đã xây dựng ngôi đền - lưu truyền là Đền thờ Đức thánh Trần tại khu vực đồi cao trung tâm (trước đây, đồng bào dân tộc Thái gọi là Đồi Lạng Chượng), nay là khu vực dãy các Đồi A1 - Đồi F - Đồi Cháy (theo tên gọi của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) thuộc thành phố Điện Biên Phủ để thờ phụng, tưởng nhớ công lao to lớn của tiền nhân đã có công hộ quốc, an dân.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Nguyễn Minh Phú đã trình bày báo cáo kết quả tìm kiếm thu thập thông tin, tư liệu liên quan Đền thờ Đức Thánh Trần tại khu vực đồi Lạng Chượng, thành phố Điện Biên Phủ, với một số tài liệu như: Ảnh Đền thờ “Đức Thánh Trần” tại đồi A1; hình ảnh dãy nhà xây trên đồi A1 năm 1924; tài liệu của Pháp ngày 14/12/1922; tài liệu của Viện Viễn đông Bác cổ… Từ những hình ảnh, tài liệu thu thập được đã củng cố thêm tư liệu, bổ sung thông tin giá trị về mặt lịch sử, văn hóa liên quan đến Đền thờ “Đức thánh Trần” tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, qua đó có thể tiếp tục nghiên cứu, khẳng định thêm giá trị về mặt khoa học xây dựng Đền thờ.
Hội thảo đã nghe những ý kiến liên quan đến việc đề xuất địa điểm xây dựng; quy mô, kiến trúc gắn với các nhân vật thờ phụng; vật liệu, bài trí nội thất của Đền thờ Đức Thánh Trần; định hướng quản lý và phát huy giá trị Đền thờ...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo lần này mang tính gợi mở, bước đầu để tỉnh Điện Biên nghiên cứu, xem xét và có lộ trình thực hiện xây dựng khôi phục đền thờ Đức Thánh Trần tại thành phố Điện Biên Phủ.../.