Hội nhập

Hội thảo quốc tế "45 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Thành tựu, vấn đề và triển vọng"

Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, cải cách và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ứng phó kịp thời và thích ứng linh hoạt với những biến đổi của tình hình quốc tế và khu vực.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế “45 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Thành tựu, vấn đề và triển vọng”. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN)- Ngày 26/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế “45 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Thành tựu, vấn đề và triển vọng”. 

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, hai nước đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong bối cảnh mới; đặc biệt là trong việc tìm kiếm động lực mới, phương thức mới cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững, ứng phó với các thách thức mới... 

Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, cải cách và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; coi trọng công tác chính trị tư tưởng, công tác lý luận, tổng kết thực tiễn; ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ứng phó kịp thời và thích ứng linh hoạt với những biến đổi của tình hình quốc tế và khu vực.

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Tần Pháp, Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết: Từ sau cải cách, mở cửa, Đảng và Nhà nước Trung Quốc chú trọng phát triển sức sản xuất, đồng thời chú ý lắng nghe tiếng nói quần chúng nhân dân, không ngừng thúc đẩy sự thịnh vượng chung của tất cả nhân dân.

Báo cáo tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu nội dung: Đưa toàn thể nhân dân cùng nhau thịnh vượng thành một trong 5 đặc trưng lớn của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Trong quá trình này, quần chúng nhân dân cần phải được trao đầy đủ quyền tự chủ trong phát triển; tích cực khích lệ quần chúng nhân dân tham gia vào tiến trình thúc đẩy thịnh vượng chung; từ đó thúc đẩy hiệu quả sự phát triển tự do toàn diện của con người.

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Tần Pháp cũng cho biết, hiện nay, Trung Quốc đang kêu gọi phát triển và kế thừa nền văn hóa Trung Hoa truyền thống ưu tú, học tập những tri thức văn hóa và khoa học tiên tiến.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, từ khi cải cách mở cửa, đặc biệt là từ Đại hội XII (năm 1982), Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu chiến lược tổng thể thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu hiện đại hóa khi đó đã được xác định là thực hiện 4 hiện đại hóa gồm hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, khoa học công nghệ và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh, văn minh, dân chủ trình độ cao. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược tổng thể với các bước đi cụ thể...

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận những vấn đề như: Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay; triển vọng tương lai đối với cải cách mở cửa của Trung Quốc; lộ trình tiến tới thịnh vượng chung của Trung Quốc trong 45 năm cải cách mở cửa; công nghiệp hoá ở Việt Nam trong bối cảnh mới, kết quả, cơ hội và thách thức…/.

Lý Thanh Hương

Xem thêm