Trần Danh Án là nhà thơ và quan viên nhà Lê Trung hưng. Ông là người đầu tiên ở nước ta sưu tầm, dịch ca dao, đó là tác phẩm “Nam phong giải trào”
TTXVN-Sáng 19/9, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với dòng họ Trần Danh (thôn Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) tổ chức Hội thảo khoa học truyền thống khoa bảng dòng họ Trần Danh và danh nhân Trần Danh Án. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương, địa phương và dòng họ Trần Danh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Đáp nhấn mạnh, Bắc Ninh có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến và cách mạng. Trong suốt tiến trình lịch sử, thời nào Bắc Ninh cũng xuất hiện những người tài, đức, góp công sức, trí tuệ cho đất nước. Bắc Ninh là địa phương có truyền thống khoa bảng hàng đầu cả nước với nhiều làng khoa bảng như: Làng Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh có 25 vị Tiến sĩ; làng Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn là làng duy nhất cả nước có người đỗ đủ Tam Khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); nhiều dòng họ tiêu biểu như họ Nguyễn Kim Đôi với 18 vị Tiến sĩ, họ Phạm Kim Đôi có 7 vị đỗ Tiến sĩ, họ Nguyễn Vinh Kiều có 10 người đỗ Tiến sĩ…
Tại huyện Gia Bình truyền thống khoa bảng thể hiện ở thôn Bảo Triện xưa, nay là làng Phương Triện, xã Đại Lai. Truyền thống khoa bảng ấy được thể hiện rực rỡ qua truyền thống dòng họ Trần Danh. Trong lịch sử dòng họ Trần Danh thời phong kiến, có 4 người đỗ Đại khoa, hơn 60 người đỗ tú tài cử nhân.
Danh nhân Trần Danh Án, hiệu là Liễu Am, sinh năm Giáp Tuất (1754), làng Hương Triện, đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương. Năm 34 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 3) khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1787). Sinh thời, Trần Danh Án là nhà thơ và quan viên nhà Lê Trung hưng. Ông là người đầu tiên ở nước ta sưu tầm, dịch ca dao, đó là tác phẩm “Nam phong giải trào”.
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần khẳng định những đóng góp to lớn và thiết thực trên nhiều lĩnh vực đối với quê hương, đất nước của các vị Tiến sĩ dòng họ Trần Danh thôn Phương Triện. Các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ truyền thống quê hương và tình hình chính trị xã hội thời Lê Trung Hưng, đặc biệt từ những năm cuối thế kỷ XVII đến những năm cuối thế kỷ XVIII tác động đến ý chí, tư tưởng và hành trọng của các vị trí thức Hán học họ Trần Danh làng Phương Triện; tư tưởng chủ đạo của Trần Danh Án trong ý định khôi phục nhà Lê vào nửa cuối thế kỷ XVIII; những đóng góp cụ thể của các vị trí thức Hán học đồng họ Trần Danh làng Phương Triện đối quê hương, đất nước; quan điểm của các nhà khoa bảng họ Trần Danh đối với sự nghiệp giáo dục, đối với việc khuyến học và tư tưởng xuyên suốt trong các trước tác của các nhà trí thức Hán học họ Trần Danh...
Tiêu biểu trong đó có các tham luận như: Những người con ưu tú của làng Phương Triện xưa (của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải); Bối cảnh lịch sử thời Lê Trung hưng cuối thế kỳ XVIII (của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Đóng góp của dòng họ Trần Danh với đất nước thế kỷ XVI-XVIII (của Tiến sĩ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Trần Danh Án-trung thần nhà Hậu Lê (của Tiến sĩ Lê Thùy Linh, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)…/.