Chính phủ hành động

Hơn 60% người hưởng được chi trả lương hưu theo mức tăng mới trong ngày đầu thực hiện Nghị định 75

Hà Nội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu chi trả kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người thụ hưởng ngay từ ngày 1/7, bao gồm cả người hưởng bằng tiền mặt và người hưởng qua tài khoản cá nhân.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thăm hỏi, trao lương hưu tại nhà cho bà Lương Thị Hai.
Ảnh: Vân Duy

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngay trong ngày đầu tiên Nghị định số 75/2024/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng có hiệu lực thi hành, đã có hơn 60% tổng số người hưởng được chi trả các khoản tiền này.

Chủ động nguồn lực chi trả lương hưu, trợ cấp theo mức hưởng mới

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và Nghị định 75/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024. Phạm vi áp dụng bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khối nhà nước, tư nhân) và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng tăng với tỷ lệ 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Qua đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, đảm bảo hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang đóng bảo hiểm xã hội và người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách.

“Tỷ lệ tăng lần này đã được cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng đảm bảo khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn”, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.

Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.

Với tinh thần chủ động chuẩn bị sẵn mọi nguồn lực chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức mới, ngay trong ngày đầu tiên Nghị định 75 có hiệu lực thi hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 2128/BHXH-TCKT yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đảm bảo tốt nguồn kinh phí, nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin…, chi trả kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người thụ hưởng ngay từ ngày 1/7 (bao gồm cả người hưởng bằng tiền mặt và người hưởng qua tài khoản cá nhân).

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả cho người hưởng; phối hợp, giải quyết, xử lý dứt điểm tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người hưởng về quyền lợi theo mức hưởng mới, lịch chi trả để người dân chủ động nắm được thông tin.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu thăm hỏi người nhận lương hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Vân Duy

Chi trả kịp thời tới người thụ hưởng

Nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương nhanh chóng triển khai công tác chi trả theo mức hưởng mới tới người hưởng, ngay trong chiều 1/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu làm trưởng đoàn đến làm việc với Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và xuống thăm hỏi tại nhà của một số người dân thụ hưởng chính sách trong đợt này.

Do tuổi cao, sức khỏe yếu nên bà Lương Thị Hai (91 tuổi, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) được chi trả tiền hưu ngay tại nhà, mà không phải ra các điểm chi trả. Bà cho biết rất xúc động khi được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm tăng lương hưu và được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam trực tiếp xuống thăm hỏi, trao lương hưu tại nhà. Trước đây, bà Hai công tác tại Nhà máy cơ khí nông nghiệp và nghỉ việc (vào tháng 4/1984) với số tiền hưởng bảo hiểm xã hội khi đó là 290 đồng. Đến nay, qua nhiều lần được Nhà nước điều chỉnh tăng, số tiền hưởng của bà Hai là 4.813.100 đồng, tăng 627.800 đồng so với mức lương tháng 6/2024.

Bên cạnh số tiền lương hưu ổn định hằng tháng, bà Hai còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi ốm đau. Bà Hai thường xuyên sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám, chữa bệnh đái tháo đường. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế, bà Hai thêm an tâm tuổi già, mà không phải nhờ cậy vào con cháu.

Bà Lê Thị Chí (61 tuổi, phường Kiến Hưng, quận, Hà Đông, Hà Nội) sau thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đến khi nghỉ việc, bà tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 5 năm 4 tháng (đóng 1 lần cho những năm còn thiếu) để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu vào tháng 7/2018.

Vui mừng, phấn khởi khi nhận mức lương hưu mới, bà Chí cho biết, ngay trong đầu giờ chiều 1/7, bà đã nhận lương hưu qua tài khoản ATM với số tiền là 2.344.400 đồng (tăng 305.800 đồng so với mức lương tháng 6/2024). Bà cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến những người nghỉ hưu, dù là người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đều được tăng lương hưu lần này.

“Ngoài tiền hưu hằng tháng, tôi còn được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên tuổi già có ốm đau, tôi cũng không phải lo lắng. Giờ tôi vẫn thường xuyên nhắc các con, các cháu của mình làm gì thì làm, nhưng lúc còn khỏe, cứ phải tham gia bảo hiểm xã hội hằng tháng để khi về già có lương hưu và bảo hiểm y tế Nhà nước lo cho. Khi đó, mình yên tâm, không phải nghĩ ngợi gì”, bà Chí chia sẻ.

Với phạm vi áp dụng rộng lớn, ở lần chi trả mức hưởng mới theo Nghị định số 75, cả nước sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó có khoảng 200 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 tiếp tục được điều chỉnh mức hưởng theo số tiền tuyệt đối do ngân sách Nhà nước chi trả. Dự kiến, kinh phí tăng thêm để chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 từ ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng và từ Quỹ bảo hiểm xã hội là hơn 12.500 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến để tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng 6 tháng cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỷ đồng.

Tính đến 14 giờ cùng ngày, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức hưởng mới tới hơn 60% tổng số người hưởng. Về cơ bản, người hưởng đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân đã được chi trả theo mức hưởng mới; những người già yếu, không đi lại được được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trực tiếp tại nhà./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm